Thế giới

Lạm phát có khiến Fed hành động nhanh hơn?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần phải tính đến tác động của biến thể mới Omicron khi họ quyết định cách siết chặt chính sách tiền tệ của mình.

Trong khi hầu hết thị trường tài chính kỳ vọng đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn 2 năm sẽ xảy ra vào tháng 6/2022, các bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell gần đây cho thấy, Ngân hàng Trung ương có thể bất ngờ tăng tốc, ít nhất là trên lý thuyết.

Tín hiệu từ Fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong phiên điều trần gần đây trước Quốc hội, đưa ra tín hiệu rằng, Ngân hàng Trung ương có thể đẩy nhanh quá trình rút lại các chương trình kích thích kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát leo thang.

Fed có thể sẽ hành động nhanh hơn để rút lại chính sách lãi suất cực thấp của mình, ngay cả khi sự xuất hiện của biến thể mới Omicron của Covid-19 đã làm dấy lên những nghi ngờ mới về tương lai của nền kinh tế và hướng đi của lạm phát, AP đưa tin.

“Lập trường của ông ấy "diều hâu" hơn tôi mong đợi, và theo tôi nghĩ, hơn so với dự kiến của thị trường tài chính”, Kathy Bostjancic, nhà kinh tế tài chính Mỹ tại Oxford Economics, cho biết.

Người đứng đầu Fed cho biết, ông nghĩ rằng việc giảm nhịp độ chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình dự kiến được công bố hồi đầu tháng 11.

Theo dự kiến, lượng trái phiếu mua vào sẽ giảm bớt 15 tỷ USD mỗi tháng, và quá trình rút lại chương trình kích thích kinh tế này sẽ kết thúc vào khoảng tháng 6/2022.

Tuy nhiên, nếu Fed quyết định tăng tốc, điều đó có thể có nghĩa là quá trình rút lại này sẽ hoàn tất vào mùa xuân năm tới, tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương có thể nâng lãi suất bất cứ lúc nào sau đó.

"Đây là một sự xoay chuyển rất đột ngột từ Fed", Krishna Guha, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Evercore ISI, cho biết. “Lịch trình cho quá trình rút lại kéo dài 8 tháng chỉ mới được công bố cách đây 4 tuần”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho rằng, biến thể Covid-19 mới nhất có thể mở rộng một số thách thức chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt dẫn đến lạm phát cao hơn. Do đó, các quan chức Fed sẽ cần phải tính đến điều đó khi họ quyết định cách siết chặt chính sách tiền tệ của mình.

"Rõ ràng, nó làm tăng thêm nhiều điều không chắc chắn cho triển vọng", Williams nói, đề cập đến biến thể Omicron của Covid-19, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hôm 1/12.

Nếu biến thể này dẫn đến nhu cầu tiếp tục đối với hàng hóa và dịch vụ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt và nếu nó ngăn chặn sự phục hồi ở các khu vực khác, thì điều đó có thể dẫn đến sự phục hồi tổng thể "hơi chậm hơn một chút", Williams cho biết. Nó cũng có thể "làm tăng áp lực lạm phát ở những khu vực có nhu cầu cao", ông nói thêm.

Biến thể Omicron có thể gây ra các rủi ro cho tăng trưởng và lạm phát. Ảnh: New York Times

Williams không cho biết liệu ông có ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ rút lại chương trình mua tài sản hay không, nhưng lưu ý rằng các quan chức Fed sẽ phải cân nhắc rất nhiều trong cuộc họp chính sách tiếp theo của họ, bao gồm thêm dữ liệu về lạm phát, việc làm và tác động kinh tế của biến thể Omicron.

"Câu hỏi đặt ra là: Liệu có hợp lý nếu kết thúc chương trình mua tài sản sớm hơn, có thể là một vài tháng, với điều kiện nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ", Williams nhận định. "Tôi cho rằng chúng tôi sẽ phải vật lộn với quyết định này, chủ đề thảo luận này".

Cuộc họp thiết lập chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/12.

Lãi suất có thể tăng 6 đợt trong 2 năm tới

Đà tăng dài hạn của thị trường khiến Phil Orlando, giám đốc chiến lược cổ phiếu của công ty quản lý quỹ Federated Hermes, phải thay đổi kỳ vọng của mình về lạm phát.

“Trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng như chúng ta thấy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Fed đẩy nhanh tốc độ rút lại các gói kích thích kinh tế”, Orlando cho biết. “Một khi quá trình rút lại này hoàn thành, chúng tôi dự đoán lãi suất sẽ tăng”.

Orlando dự đoán Cục Dự Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện 6 đợt tăng lãi suất trong 2 năm tới để đối phó với việc giá cả hàng hóa tăng ồ ạt, từ xe cộ cho tới thực phẩm.

“Kịch bản tốt nhất mà chúng tôi đưa ra là Fed sẽ thực hiện 2 đợt tăng lãi suất, mỗi đợt tăng 0,25 điểm phần trăm, trong nửa cuối năm 2022 và có thể có thêm 4 đợt tăng 0,25 điểm phần trăm như vậy nữa trong suốt năm 2023”, Orlando nói với CNBC.

Orlando bày tỏ lo ngại về số liệu lạm phát gần đây. Cả chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 thập kỷ.

PCE lõi đã tăng 4,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết. PCE lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, là thước đo lạm phát được Fed dựa vào nhiều nhất.

CPI cũng tăng nhanh trong tháng 10. CPI mà Bộ Lao động theo dõi bao gồm giá thực phẩm và năng lượng.