Thế giới

FED chốt nâng lãi suất mức mạnh nhất kể từ năm 1994

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ấn định lãi suất chuẩn ở phạm vi 1,5% -1,75%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 3/2020.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) mới đây nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75% nhằm chống lại lạm phát cao, đây là mức tăng lãi suất chuẩn mạnh nhất kể từ năm 1994. Việc thắt chặt chính sách diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mà giá cả gia tăng, tình trạng được gọi là lạm phát đình trệ.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) ấn định lãi suất chuẩn ở phạm vi 1,5% -1,75%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 3/2020.

Thị trường chứng khoán ghi nhận biến động sau quyết định trên của FED, nhưng đã tăng cao hơn khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp: “Mức tăng 0,75% ngày hôm nay rõ ràng là một mức cao bất thường, tôi mong rằng những động thái như vậy sẽ không trở thành thường lệ”. 

Ông Powell cho biết các quyết định sẽ được đưa ra trong "từng cuộc họp" và Cục Dự trữ Liên bang sẽ "tiếp tục truyền đạt ý định của chúng tôi một cách rõ ràng nhất có thể".

Tuyên bố của FOMC đã vẽ nên bức tranh lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay cả khi lạm phát cao kỷ lục: “Hoạt động kinh tế nói chung dường như đã tăng lên sau khi sụt giảm trong quý đầu tiên năm nay. Việc làm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá rộng hơn".

Về dài hạn, triển vọng của ủy ban về chính sách phần lớn phù hợp với các dự báo thị trường cho thấy một loạt các đợt tăng lãi suất sắp tới sẽ đưa lãi suất quỹ lên khoảng 3,8%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.

Những thay đổi của FED đối với lãi suất chuẩn kể từ năm 2017 (đơn vị: điểm cơ bản). Ảnh: CNBC.

Động thái mới của Cục Dự trữ Liên bang theo sau diễn biến lạm phát tại Mỹ đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ trong tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Số liệu doanh số bán lẻ được công bố mới đây cho thấy tiêu dùng suy yếu, với doanh số bán lẻ - thước đo chi tiêu tại các cửa hàng, trực tuyến và tại nhà hàng -  giảm 0,3% trong tháng 5 so với tháng trước, nhưng lạm phát tháng 5 đã tăng 1% so với tháng trước.

Thị trường việc làm là một điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, mặc dù số lượng tăng thêm 390.000 việc làm của tháng 5 là mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động tại Mỹ tăng về danh nghĩa nhưng khi được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 3% trong năm qua. Các dự báo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang công bố hôm 15/6 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,6% có thể tăng lên tới 4,1% vào năm 2024.

Tất cả những yếu tố trên đã kết hợp làm phức tạp thêm hy vọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Powell về một cuộc "hạ cánh mềm” mà ông đã nhắc tới hồi tháng 5. “Hạ cánh mềm” theo định nghĩa của ông Powell là cầu được kéo lại gần cung, dẫn đến “giảm chi phí tiền lương cho doanh nghiệp và hạ lạm phát mà không kìm hãm nền kinh tế, không gây ra suy thoái và không khiến thất nghiệp gia tăng”. Trong quá khứ, các chu kỳ thắt chặt lãi suất thường dẫn đến suy thoái.

Phạm Hà Thanh (theo CNBC, Reuters)