Kinh tế vĩ mô

FDI liên tục "chảy" mạnh vào Bình Dương và kỳ vọng bứt phá

Theo UBND tỉnh Bình Dương, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh luôn cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục "chảy" mạnh vào Bình Dương

Ngày 4/5, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương thông tin, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn với gần 1,8 tỷ USD, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, vốn đầu tư trong nước là 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến nay, có hơn 3.014 dự án đang đầu tư vào KCN còn hiệu lực, trong đó có 2.340 dự án có vốn FDI, đạt gần 28 tỷ USD.

Cụ thể, theo ghi nhận tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitto Denko Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử đã bổ sung tăng vốn thêm 99 triệu USD để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch tích hợp; Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 tăng thêm vốn 14 triệu USD đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quần áo thời trang và thể thao...

Còn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Stec đầu tư máy móc sản xuất linh kiện điện tử 718 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern (Việt Nam) đầu tư nhà máy sản xuất sợi 521 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp De Licacy Việt Nam đầu tư máy móc sản xuất sợi, dệt vải 500 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Paihong Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị sản xuất vải 412 tỷ đồng…

Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp New Motion (Singapore) Lim Hua Tiong cho biết công ty có vốn đầu tư 185 triệu USD vào Bình Dương trong những tháng đầu năm 2022 nhằm nâng công suất sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, dịch vụ kho bãi tại Khu công nghiệp Phú Tân.

“Chúng tôi đã triển khai khảo sát mở rộng nhà máy và nhận thấy Bình Dương hội đủ các yếu tố thuận lợi về cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hoàn chỉnh, cơ hội chính quyền hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sản xuất, kinh doanh khá tốt,” ông Lim Hua Tiong cho hay.

Thu hút các ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao

Theo UBND tỉnh Bình Dương, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh luôn cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh. Việc hình thành các khu công nghiệp đang tạo nền tảng vững chắc cho những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nhằm thu hút đầu tư và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong năm 2022, tỉnh tập trung xây dựng các khu công nghiệp lớn nhằm thu hút các ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động. Cùng với đó, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên huy động mọi nguồn lực tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ vậy, tỉnh chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; theo dõi tình hình lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Mục đích lớn nhất của tỉnh đó là từng bước phát triển theo kỳ vọng của người dân đưa Bình Dương thành đô thị đáng sống”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng Ban các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, kết quả trên cho thấy sau khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát hoàn toàn, mọi hoạt động trở lại bình thường đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tự tin rót vốn mạnh vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Cùng theo đánh giá của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương mặc dù vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp vẫn mở rộng nhà máy, phân xưởng, duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa dường như trở lại hoàn toàn bình thường. Đây là tín hiệu tích cực về phục hồi kinh tế sau thời kỳ hậu Covid-19.

Việc “sáng đèn” sản xuất của các nhà máy tại “thủ phủ” khu công nghiệp Bình Dương cho thấy việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực; qua đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần vào thực hiện mục tiêu kép của tỉnh Bình Dương trong năm 2022.

Việt Nam thu hút gần 11 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài 04 tháng qua đạt hơn 10,8 tỷ USD.

Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3% nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Bốn tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã "rót" vốn đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xét về số lượng các ngành thu hút dự án đầu tư mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất.

Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 4 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhất từ đầu năm đến nay.

Tuệ Minh (tổng hợp)