Đời sống

F0 đã khỏi bệnh, trường hợp nào mới cần đi khám hậu Covid-19?

Theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả người bệnh khỏi Covid-19 đều cần phải thăm khám hậu Covid-19.

Trước thực trạng số ca mắc và khỏi Covid-19 ngày càng lớn, nhu cầu thăm khám sau khi khỏi Covid-19 cũng tăng cao.

Một ngày cuối tháng 2, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) có mặt khá sớm tại Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ông Hải cho biết, cách đây gần 2 tháng, vợ chồng ông cùng mắc Covid-19 do lây từ gia đình người con trai. Tuy nhiên, cả hai đều triệu chứng rất nhẹ và trở lại âm tính sau khi vào điều trị tại Trạm thu dung Covid-19 huyện Thanh Trì chừng 1 tuần.

“Cả hai chúng tôi sau khi khỏi, sức khỏe đều trở lại bình thường, nhưng tôi nghe mọi người nhắc nhiều đến bệnh lý hậu Covid-19 nên bố trí đến đây thăm khám lại cho cẩn thận”, ông Hải chia sẻ với Giao Thông.

Mặc dù bác sĩ cho biết không cần thiết bất kỳ chỉ định cận lâm sàng nào khác, nhưng vợ chồng ông Hải vẫn nằng nặc “đòi” điện tim, nội soi đường hô hấp với lý do “khám kỹ để chắc chắn không mắc hội chứng hậu Covid-19”.

BS. Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, tại đây vẫn có nhiều người khỏe mạnh sau khi khỏi Covid-19 đến thăm khám vì lo lắng thái quá. Phần nhiều người bệnh đến khám chia thành 2 nhóm, gồm nhóm bệnh nhân đã từng điều trị trong bệnh viện có thở oxy, dùng chống đông, nhóm này tổn thương về hệ hô hấp trầm trọng hơn. Nhóm còn lại là bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, hậu Covid-19 gặp các triệu chứng mệt mỏi kéo dài, hụt hơi, giảm năng lượng thậm chí là stress, ho nhiều… thường là các bệnh nhân trẻ tuổi.

Trước thực trạng nhiều người mắc Covid-19 khỏi bệnh lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19, PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, nhiều người gặp phải hội chứng hậu Covid-19 nhưng không có nghĩa là tất cả đều cần đi khám.

PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng phân tích, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.

Virus SASR-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan, nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi Covid-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng hội chứng hệ hô hấp là chủ yếu.

Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc Covid-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Nguyên nhân gây tình trạng hậu Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm, cytokine, xơ hóa, rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo

Trong đó, tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu Covid-19. Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu Covid-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu Covid-19 là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy.

Tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu Covid-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. Những người phải có triệu chứng của hậu Covid-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị hồi sức tích cực (ICU) thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Đối với nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện, chỉ nên đi tái khám khi có triệu chứng hậu Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Tp.HCM, cho biết, Covid-19 có khoảng 200 triệu chứng khác nhau nên không thể một loại thuốc mà điều trị được tất cả. Với tâm lý lo lắng thái quá, một số người đã nhầm lẫn dấu hiệu hậu Covid-19 với các bệnh lý khác.

“Không phải cứ có các triệu chứng ho, mệt mỏi, khó thở, đau đầu… sau khi khỏi Covid-19 đều là di chứng hậu mắc Covid-19 mà có khi lại là những bệnh lý khác. Do đó, người dân cần tỉnh táo xác định tình trạng bệnh của mình để tránh tốn kém không cần thiết”, ông Khanh nói.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo, các di chứng hậu Covid-19 có khuynh hướng tự cải thiện theo thời gian, trừ một số trường hợp nặng. Do đó, mọi người không nên quá lo lắng.

“Khi không có biểu hiện thì không nên đi khám sàng lọc, bởi điều này có thể gây lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí là gây hại sức khỏe tinh thần của chính mình. Người dân nếu thấy khó thở, đau ngực hay có triệu chứng bất thường kéo dài ảnh hưởng chất lượng cuộc sống thì hãy đi khám”, BS. Dũng tư vấn.

Minh Hoa (t/h theo Giao Thông, Nhân Dân)