Tài chính - Ngân hàng

Eximbank chính thức công bố triệu tập họp ĐHCĐ lần 3

Sau 2 lần trì hoãn vào phút chót, ngân hàng Eximbank vừa có Nghị quyết chính thức về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ ba.

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 31/5 vừa có Nghị quyết chính thức về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ ba.

Theo đó, sau 2 lần trì hoãn, Đại hội dự kiến bắt đầu lúc 9h sáng thứ Sáu ngày 21/6/2019. Địa điểm là Trung tâm Hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Đây là lần thứ 3 Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Ngày 26/4, Đại hội lần thứ nhất đã không thể diễn ra do không đủ túc số. Lần triệu tập thứ hai dự kiến vào ngày 25/5 cũng đã phải hoãn lại.

Cục diện tranh giành quyền lực tại Eximbank có lẽ đã yên ổn.

Người ký Nghị quyết triệu tập ĐHĐCĐ lần này là tân Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Cao Xuân Ninh. Khác với hai lần trước, Đại hội ngày 21/6 tới được tin rằng sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, khi mà cục diện tranh đấu quyền lực đã khá rõ ràng.

Trước đó, HĐQT Eximbank ngày 22/5 có Nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc. Đồng thời, cuộc họp HĐQT ngày 20/5 đã bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quốc.

HĐQT Eximbank cũng thông qua bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó TGĐ thường trực (nhân sự dự kiến giữ chức danh Tổng giám đốc) làm Quyền TGĐ Ngân hàng.

Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt "cuộc chiến vương quyền" âm ỉ suốt nhiều năm qua tại Eximbank, và đặc biệt gay gắt từ Nghị quyết HĐQT gây tranh cãi bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch ngày 22/3/2019.

ĐHĐCĐ diễn ra sau đây 3 tuần sẽ được tiến hành với tối thiểu 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, so với mức 65% Đại hội lần 1 ngày 26/4.

Trên thực tế, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm nay, bắt đầu từ năm 2015, khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với ngân hàng Nam Á (NamABank).

Cổ đông không đồng lòng, "lục đục" nội bộ đã khiến hoạt động kinh doanh của Eximbank rơi vào khó khăn một thời gian dài khi tổng tài sản sụt giảm, lợi nhuận lao dốc. Cổ phiếu EIB cũng từng bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp và vừa mới được đưa ra khỏi diện cảnh báo hồi tháng 4/2018.

Hoạt động kinh doanh của Eximbank bắt đầu có sự cải thiện trong 2 năm trở lại đây khi thoát lỗ lũy kế vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực chuyển mình, "New Eximbank" ngoài đối diện với tình trạng dang dở ở "thượng tầng" còn liên tục vướng phải các lùm xùm lớn với khách hàng trong thời gian qua.

Cũng vì tranh chấp liên quan tới 2 vụ việc tiền gửi "bốc hơi" trong năm 2018, Eximbank phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 390 tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến nhà băng phải ghi nhận khoản lỗ 309 tỷ đồng trong quý 4/2018.

Hiếu Nguyễn