Kinh tế vĩ mô

EVN đồng tình phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần

Gửi góp ý đến Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng tình phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Trên cơ sở Dự thảo Quyết định đính kèm Công văn số 4583/BCT-ĐTĐL ngày 13/7/2023 của Bộ Công Thương, các nội dung đã trao đổi và thống nhất tại cuộc họp ngày 7/8 giữa Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và EVN, tập đoàn thống nhất với nội dung dự thảo quyết định sau khi hiệu chỉnh như bản đính kèm.

Theo dự thảo được hiệu chỉnh, nguyên tắc điều chỉnh giá là sau khi Bộ Công Thương kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Chi phí này bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng. Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng tình phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần.

Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.

Cụ thể, nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ được quyền điều chỉnh tăng ở mức tương ứng. Sau khi tăng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Trước đó tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần.

Theo ông Hải, việc điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay bởi theo Quyết định 24 đã quy định EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý. Đề xuất mới hoàn toàn phù hợp với quy định này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, điện là mặt hàng "nhạy cảm", tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc điều chỉnh giá với mức độ, thời điểm nào cần phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và kinh tế xã hội.