Kinh tế vĩ mô

EVFTA: Tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá

Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Sáng 16/11, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức buổi Hội nghị về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”.

Hội nghị được diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến

EVFTA mang lại kết quả tích cực trong giai đoạn Covid-19

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị: “Hiện nay trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực FTA đặc biệt là FTA thế hệ mới, do đó việc cam kết trong thực thi hiệp định FTA ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của sự phát triển nền kinh tế xã hội Việt Nam”.

Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương

Sau 1 năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực.

Có thể nói, sau 1 năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này.

Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. 

Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước bị tác động tiêu cực.

Thách thức về xác định xuất xứ hàng hoá

Song, 1 năm nhìn lại cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Theo đó, một trong những thách thức là đảm bảo và hiểu đúng về những quy định về xuất xứ hàng hoá đối với doanh nghiệp. Xuất xứ hàng hóa cũng trở thành một công cụ, trở thành lá chắn để các quốc gia sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp pháp.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, xuất xứ hàng hóa gắn liền quốc tịch để kiểm tra xem hàng hóa đến từ đâu và hàng hóa này sẽ được xác định theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi hàng hóa được sản xuất.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu

Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định rõ “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ - nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Như vậy, cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.

Bên cạnh đó, bà Hiền cũng trình bày những ví dụ cụ thể đối với từng loại mặt hàng như may mặc, chế biến thực phẩm, sản phẩm điện tử,... cần được sản xuất như thế nào thì mới có thể coi là xuất xứ từ Việt Nam, được EVFTA công nhận.

Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA. Từ đó, cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà EVFTA mang lại do Cục Xuất nhập khẩu trình bày, xoay quanh vấn đề xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.