Thế giới

Evergrande kịp thời trả lãi trái phiếu trước thời hạn tuyên bố vỡ nợ

Thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu Evergrande tăng 4,3% trên sàn giao dịch chứng khoán.

Evergrande cho biết sẽ chuyển tiền thanh toán cho khoản trả lãi trái phiếu USD trước thời hạn ân hạn 30 ngày kết thúc vào thứ Bảy ngày 23/10.

Kịp thời trả lãi

Như đã đưa tin, tập đoàn phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho một trái phiếu mệnh USD, đáo hạn vào tháng 3/2022. Đây là khoản lãi trái phiếu nước ngoài đầu tiên mà Evergrande chi trả và lẽ ra tập đoàn đã phải thanh toán khoản lãi này vào ngày 23/9 vừa qua.

Trên thực tế tập đoàn còn một khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày kỳ hạn thanh toán trước khi các trái phiếu này bị tuyên vỡ nợ vào ngày 23/10.

Khoản thanh toán lãi suất 83,5 triệu USD tại ngày 23/9 cho trái phiếu USD, kỳ hạn đến tháng 3/2022 của Evergrande được giới đầu tư nín thở chờ đợi, bởi nhà phát triển bất động sản này đã cảnh báo hai lần vào tháng 9 rằng có thể vỡ nợ. Trái phiếu USD phần lớn do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.

Theo Thời báo chứng khoán, Evergrande chuyển 83,5 triệu USD vào tài khoản ủy thác tại ngân hàng Citibank ngày 21/10 và các chủ nợ trái phiếu sẽ nhận được khoản thanh toán trước ngày 23/10.

Điều đó đồng nghĩa rằng “nhà phát triển bất động sản mắc nợ” của Trung Quốc đã tạm thời ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu Evergrande tăng 4,3% trên sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc).

Một khu phức hợp nhà ở của Tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Theo Jim Veneau, Trưởng bộ phận kinh doanh tại Công ty quản lý tài sản toàn cầu AXA IM, động thái mới nhất của Evergrande là một “bất ngờ, nhưng là một bất ngờ tích cực”.

“Tin tức về khoản thanh toán của Evergrande ít nhất cho thấy rằng tập đoàn sẵn sàng thanh toán các khoản nợ”. Tuy nhiên, ông nhận định thêm: “Tôi sẽ không gọi đây là tín hiệu xoay chuyển tình thế, nó giống như một tín hiệu đầy hy vọng”.

Trong một diễn biến liên quan, tuần qua, Hopson Development, tập đoàn bất động sản có sự hậu thuẫn của nhà nước, đã không tiến hành mua 51% cổ phần của chi nhánh Evergrande Property Services Group. Evergrande cho biết nguyên nhân là do "bên mua đã không đáp ứng điều kiện tiên quyết để đưa ra đề nghị chung cho cổ phần của Evergrande Property Services".

Theo đánh giá, nếu thành công, thỏa thuận sẽ là thương vụ bán tài sản lớn nhất của Evergrande từ lúc thành lập  cho đến khi trở thành “gã khổng lồ ôm nợ”. Số tiền thu về có thể giúp Evergrande trang trải tạm thời để vượt qua "cuộc khủng hoảng" thanh khoản. 

Chiếm phần lớn trái phiếu USD của thị trường bất động sản

Các vấn đề của Evergrande trở nên nhức nhối sau khi các nhà chức trách đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào năm ngoái. Chính sách đó đặt ra giới hạn đối với khoản vay liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty. Điều đó kìm hãm các nhà phát triển sau nhiều năm tăng trưởng do vay nợ chồng chất. Trong vài năm gần đây, các nhà phát triển Trung Quốc ngày càng phải gánh nhiều khoản nợ, đặc biệt là ở các thị trường nước ngoài.

Trụ sở nghiên cứu China Evergrande New Energy Vehicle Group tại Thượng Hải, ngày 24/9. Ảnh: Bloomberg.

Theo Viện nghiên cứu Nomura, từ năm 2016 đến năm 2020, giá trị trái phiếu USD của ngành bất động sản Trung Quốc đã tăng 900 tỷ NDT (139,75 tỷ USD) - gần hai lần so với mức tăng 500 tỷ NDT của trái phiếu bằng NDT trong nước.

Cho đến nay, Evergrande là doanh nghiệp đứng đầu về phát hành nợ ở nước ngoài, chiếm 6 trong số 10 giao dịch trái phiếu bằng USD lớn nhất ở nước ngoài của các công ty bất động sản Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2021, theo hãng tư vấn Dealogic.

Theo Ngân hàng Natixis, tính đến nửa đầu năm nay, Evergrande nắm giữ phần lớn nhất trái phiếu USD lợi suất cao trong số các công ty bất động sản Trung Quốc -chiếm tới 19%, trị giá 19,24 tỷ USD.

Từng trong các danh sách doanh nghiệp top đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng giờ đây Evergrande đang phải “oằn mình” gánh chịu sức ép của khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn để trả cho các nhà đầu tư.

Nhà phát triển bất động sản mắc nợ này đã bỏ lỡ 4 lần thanh toán lãi suất trái phiếu kể từ tháng 9, với tổng cộng lên tới 279 triệu USD- con số này bao gồm 83,5 triệu USD mà tập đoàn vừa kịp chuyển trả.

Phạm Thu Thanh (theo CNBC, Reuters)