Thế giới

Evergrande bị xếp hạng vỡ nợ

Evergrande vẫn im hơi lặng tiếng về khoản tiền lãi hai lô trái phiếu bằng USD đã hết ân hạn vào hôm 6/12 vừa qua.

Ngày 9/12, hãng xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ) đã hạ xếp hạng của Evergrande từ mức C (quá trình vỡ nợ hoặc tương tự vỡ nợ đã bắt đầu) xuống mức RD (Restricted default - vỡ nợ giới hạn).

Lý giải về quyết định này Fitch cho biết Evergrande đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về khoản trả lãi 2 lô trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn vào ngày 6/11 và được ân hạn 30 ngày vào ngày 6/12 vừa qua. Do đó, Fitch đã kết luận rằng các khoản lãi này vẫn chưa được thanh toán.

Theo hãng tin Bloomberg, đây có thể là khởi đầu cho sự sụp đổ của Evergrande - đế chế bất động sản khổng lồ do tỉ phú Hui Ka Yan xây dựng từ cách đây 25 năm.

Tuy vậy, trong một hội thảo diễn ra cùng ngày 9/12, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã khẳng định thị trường tài chính nước này có khả năng đối phó với tác động từ cuộc khủng hoảng nợ trị giá 310 tỷ USD của tập đoàn bất động sản Evergrande.

Ông Yi Gang, Thống đốc ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết: “Rủi ro ngắn hạn từ các công ty bất động sản riêng lẻ sẽ không ảnh hưởng đến thị trường trong trung và dài hạn”; rủi ro của Evergrande “sẽ được xử lý phù hợp theo các nguyên tắc và pháp luật” đồng thời ông khẳng định “quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ theo quy định pháp luật".

Theo hãng tin AP, các nhà kinh tế nhận định rằng Trung Quốc có khả năng tiếp tục duy trì hoạt động của thị trường cho vay trong trường hợp Evergrande vỡ nợ. Vào hôm thứ Hai tuần này (6/12), ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát hành 1,2 nghìn tỷ NDT (190 tỷ USD) để cho vay bằng cách giảm lượng tiền mà các ngân hàng phải dự trữ.

Các chủ nợ của Evergrande hiện vẫn chưa nhận được tin tức về việc tập đoàn này thanh toán hai khoản tiền lãi trái phiếu nước ngoài trị giá 82,5 triệu USD đã kết thúc ân hạn 30 ngày vào thứ Hai (6/12).

Các tòa nhà của tập đoàn bất động sản Evergrande tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Nhà phát triển bất động sản Evergrande vừa qua đã làm chao đảo thị trường toàn cầu khi trong một hồ sơ vào thứ Sáu (3/12) đưa ra cảnh báo cạn tiền mặt và thừa nhận gánh nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD là “thiếu bền vững”.

Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bắt nguồn từ các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc triển khai vào năm ngoái nhằm kiểm soát nợ của các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản, vốn được coi là mối đe dọa đến sự ổn định kinh tế đất nước.

Theo hãng tin AP, một số nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã phá sản, bỏ lỡ các thời hạn thanh toán nợ hoặc đưa ra cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ. Hôm thứ Năm (9/12), ngoài Evergrande, Fitch còn hạ xếp hạng tín dụng của Kaisa, một công ty phát triển bất động sản nhỏ hơn cũng ở Trung Quốc, từ mức C xuống RD do công ty này không thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ với số trái phiếu trị giá 400 triệu USD đã đến hạn ngày 7/12.

Nợ trong nước của Trung Quốc, được định giá bằng NDT, bao gồm nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ, hiện đã cán mốc khoảng 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ mức 270% vào năm 2018 - mức cao bất thường đối với một quốc gia có thu nhập trung bình.

Hà Thanh (theo AP,Bloomberg, Fitchratings.com)