Thế giới

EU và ASEAN sắp trải qua “thay đổi to lớn”

Cách ASEAN và EU hành động và phản ứng với các thách thức, riêng rẽ hay cùng nhau, sẽ quyết định vận mệnh của hơn 1 tỷ người trong hai khu vực.

Là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai khối, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp trong Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN đầu tiên tại Brussel s(Bỉ) vào ngày hôm nay 14/12.

Thương mại, an ninh và phát triển bền vững nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao EU-ASEAN. Đây cũng là dịp để 2 bên nhìn lại 2 năm quan hệ đối tác chiến lược và đặt ra các ưu tiên trong tương lai.

Các thách thức và ưu tiên chung

Nhiều điều đã xảy ra kể từ khi quan hệ đối tác ASEAN-EU được nâng cấp lên tầm chiến lược (tháng 12/2020). Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã phơi bày sự mong manh của các chuỗi giá trị quốc tế. Xung đột Nga-Ukraine đang gây ra những tác động kinh tế và căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một gia tăng.

Cách ASEAN và EU hành động và phản ứng với các thách thức, riêng rẽ hay cùng nhau, sẽ quyết định vận mệnh của hơn 1 tỷ người trong hai khu vực.

An ninh hàng hải từ lâu đã là ưu tiên chung của cả EU và ASEAN, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông, nơi mà 40% ngoại thương của EU đi qua. Ngoài ra, cướp biển, buôn lậu, nhập cư bất hợp pháp, quản lý thảm họa và tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu là những chủ đề thường xuyên trong chương trình nghị sự.

Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN mang đến nhiều cơ hội để hai bên lập chiến lược cho các yếu tố hợp tác an ninh và quốc phòng trong tương lai.

Công tác chuẩn bị hội trường cho Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm EU-ASEAN ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Consilium.europa.eu

Với việc châu Âu đang chịu áp lực phải tái tạo cấu trúc an ninh của mình kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, 27 quốc gia thành viên của EU có thể học hỏi từ ASEAN và khái niệm về các vòng tròn đồng tâm của các nước Đông Nam Á, theo đó sự hợp tác trong một nhóm nhỏ hơn sẽ củng cố sự tham gia của ASEAN trong một nhóm lớn hơn.

Ưu tiên thứ hai của ASEAN, cũng như của châu Âu, là phục hồi kinh tế. Những tác động lâu dài của cạnh tranh Mỹ-Trung trong các lĩnh vực như công nghệ cao và viễn thông, ngân hàng và tài chính, có thể buộc các nước Đông Nam Á phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Đồng thời, sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất của ASEAN.

“Sau những bài học rút ra từ đại dịch Covid, từ xung đột Nga-Ukraine, việc đa dạng hóa và thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự thương mại của EU”, Tiến sĩ Hu Weinian, một nhà nghiên cứu về EU-ASEAN tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, nhận định. “ASEAN sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong đó.”

Cơ hội mới, sức mạnh mới

Là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài số một tại ASEAN, EU quyết tâm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực. Đầu tiên và quan trọng nhất, điều này có nghĩa là theo đuổi chương trình nghị sự thương mại của hai bên.

Với hơn 215,9 tỷ Euro thương mại hàng hóa vào năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU bên ngoài châu Âu. Tương tự, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Trung Quốc va Mỹ, chiếm khoảng 10,6% thương mại của khối các nước Đông Nam Á. EU cho đến nay cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại các nước ASEAN.

Các hiệp định thương mại tự do giữa EU với Singapore và Việt Nam đã có hiệu lực. Brussels đang cố gắng mở rộng danh sách các đối tác của mình, ưu tiên ký kết các thỏa thuận tương tự với các nước ASEAN khác, đáng chú ý nhất là với Indonesia, nơi các cuộc đàm phán đang diễn ra, và với Malaysia, Thái Lan và Philippines, nơi EU đã thiết lập các cơ quan đàm phán.

Một lần nữa, Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN mang đến cơ hội để hai bên theo đuổi các thỏa thuận này với sức mạnh mới.

EU lâu nay vẫn nổi tiếng là một thị trường tiềm năng nhưng cực kỳ khó tính, với nhiều quy định ngặt nghèo được đặt ra cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước châu Á như sắt, thép, thủy hải sản… Ảnh: CNBC

Tại hội nghị, EU có thể sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự về kết nối, cố gắng “quyến rũ” ASEAN bằng chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway), một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 300 tỷ Euro để thúc đẩy các dự án kết nối ở các nền kinh tế đang phát triển. Global Gateway được nhiều người coi là một nỗ lực của EU để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, với việc châu Âu đang tìm cách trở thành đối tác được lựa chọn.

Mối quan hệ EU-ASEAN đang ở đỉnh điểm của một sự “thay đổi to lớn”. Chưa bao giờ như bây giờ EU lại quan tâm nhiều đến việc hợp tác với ASEAN và các thành viên của khối này về nhiều mặt đến thế. Mối quan tâm mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của EU trong việc hợp tác với ASEAN là cơ hội đồng bộ cho cả hai bên.

Để hợp tác với EU đạt được những lợi ích lớn hơn, ASEAN phải giữ lời hứa của mình trong khi cố gắng bắt kịp EU trong việc cải thiện các nền kinh tế và nguồn nhân lực của chính mình.

Minh Đức (Theo Diplomat, Channel News Asia, Hindustan Times)