Thế giới

EU tính sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga bất chấp bị “mang tiếng”

Các nước vùng Baltic (gồm Litva, Latvia và Estonia), Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan đều ủng hộ sử dụng tài sản của Nga để tái thiết Ukraine.

Trong số khoảng 300 tỷ USD (276 tỷ Euro) dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng bởi các nước tham gia các lệnh trừng phạt kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, phần lớn – hơn 218 tỷ USD (200 tỷ Euro) – nằm ở Liên minh châu Âu (EU). Khi chứng khoán Nga đáo hạn và được các trung gian tài chính tái đầu tư, chúng sẽ tạo ra lợi nhuận.

Hiện EU đang xúc tiến đề xuất đánh thuế lợi nhuận từ khối tài sản 200 tỷ Euro bị đóng băng đó để hỗ trợ tái thiết Ukraine bất chấp những lo ngại từ một số quốc gia thành viên và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Vấn đề gây chia rẽ

Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – dự kiến công bố đề xuất lập pháp của mình vào ngày 12/12 tới, trong đó bao gồm điều khoản về thuế bạo lợi đối với lợi nhuận do tài sản bị phong tỏa tạo ra.

Dự thảo kế hoạch sẽ làm rõ rằng một số vấn đề mà các quốc gia thành viên nêu ra vẫn cần được giải quyết và đề xuất của EU sẽ không can thiệp vào thuế quốc gia hoặc các biện pháp khác.

Nhưng vấn đề này đã gây chia rẽ liên minh 27 quốc gia. Các nước vùng Baltic (gồm Litva, Latvia và Estonia), Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan đều lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Trong khi đó, Bỉ, Đức, Pháp, Italy và Luxembourg là những nước bày tỏ sự thận trọng trong việc đẩy nhanh quy trình lập pháp và kêu gọi cách tiếp cận dần dần hơn.

Quang cảnh hoang tàn theo sau các đợt pháo kích vào Sloviansk, vùng Donetsk, ngày 14/4/2023, trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh: CNN

Cụ thể, Đại sứ EU của các nước thận trọng nói với các đồng nghiệp khác của mình vào tuần trước rằng EC nên bắt đầu bằng một tài liệu không chính thức hơn để tiếp tục thu hẹp khác biệt về cách sử dụng khoản lợi nhuận trên, bởi vì họ cho rằng còn quá sớm để đưa ra đề xuất pháp lý, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Tuy nhiên, EC cho biết các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu họ đẩy nhanh công việc với một đề xuất. Cuộc họp giữa chuyên gia của các quốc gia thành viên và EC vào ngày 6/12 sẽ là thời điểm quan trọng để xác định xem liệu sự khác biệt đã được thu hẹp đủ hay chưa, nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm.

Và nếu EC thông qua dự thảo kế hoạch vào ngày 12/12, các nhà lãnh đạo EU có thể xem xét nó khi họ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels diễn ra chỉ vài ngày sau đó.

Thiệt hại về mặt danh tiếng

EU đã tranh luận trong nhiều tháng về việc đẩy nhanh phương án áp dụng thuế bạo lợi đối với lợi nhuận do tài sản bị phong tỏa tạo ra và sử dụng số tiền thu được để tái thiết Ukraine.

Theo dữ liệu được công bố vào tháng trước, khối tài sản 200 tỷ Euro của Nga bị trừng phạt, phần lớn nằm ở cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ, đã tạo ra lợi nhuận gần 3 tỷ Euro kể từ thời điểm chúng bị đóng băng cho đến quý III/2023. Con số đó dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Bỉ cho biết họ sẽ đầu tư 1,7 tỷ Euro vào năm tới để hỗ trợ Ukraine bằng cách thu thuế nội địa từ các tài sản bị đóng băng ở Nga.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos cảnh báo động thái như vậy có nguy cơ gây tổn hại danh tiếng của EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải), Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp hồi tháng 2/2023. Ảnh: Times of Malta

“Quan điểm của chúng tôi về việc sử dụng cổ tức và tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa là rõ ràng”, ông De Guindos nói với nhật báo tiếng Flemish De Standaard và nhật báo tiếng Pháp La Libre Belgique xuất bản ở Bỉ, theo một bản ghi được công bố trên trang web của ECB hồi cuối tháng 11.

“Đầu tiên, đây phải là một quyết định toàn cầu, lý tưởng nhất là có sự tham gia của tất cả các thành viên G7”, ông nói. “Ngoài ra, chúng ta phải cẩn thận vì điều này có thể dẫn đến thiệt hại về mặt danh tiếng”.

Vị quan chức cấp cao của ECB giải thích rằng EU phải nhìn xa hơn cuộc xung đột này, vì động thái sử dụng tài sản đóng băng của Nga có thể có những tác động đối với đồng Euro như một loại tiền tệ an toàn.

“Đồng Euro là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới và chúng ta phải xem xét danh tiếng lâu dài của nó”, ông nói. “Tôi nghĩ có nhiều cách khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine”.

Phản ứng tương xứng từ Nga

Về phía Nga, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi cuối tháng 10 công bố ý định của EC về sử dụng một phần lợi nhuận thu được từ tài sản nhà nước bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine.

Theo đó, nghị sĩ hàng đầu của Nga cho biết Moscow sẽ tịch thu tài sản của các quốc gia EU “không thân thiện” để trả đũa.

“Một quyết định như vậy sẽ đòi hỏi một phản ứng tương xứng từ Liên bang Nga. Trong trường hợp đó, nhiều tài sản thuộc về các quốc gia không thân thiện sẽ bị tịch thu hơn số tiền bị đóng băng của chúng tôi ở châu Âu”, ông Volodin nói.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Getty Images

Trong một diễn biến khác, hôm 1/12, Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ cho biết quốc gia vùng Alps đã đóng băng khoảng 7,7 tỷ Franc Thụy Sĩ (8,13 tỷ Euro hoặc 8,81 tỷ USD) tài sản thuộc sở hữu của người Nga trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt được thiết kế nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Con số ước tính tạm thời này tăng nhẹ so với mức 7,5 tỷ Franc mà Chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ đã phong tỏa vào năm ngoái. Con số chính xác hơn dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối quý II/2024 khi các ngân hàng Thụy Sĩ báo cáo Chính phủ.

Sự gia tăng tài sản bị phong tỏa là do có thêm 300 người và 100 công ty, tổ chức được thêm vào danh sách trừng phạt trong 12 tháng qua. Nó cũng bao gồm lợi nhuận ước tính từ tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, cũng như tài sản và xe hơi sang trọng bị vướng trừng phạt.

Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng đã đóng băng 7,4 tỷ Franc tài sản ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

SECO từ chối bình luận về việc cá nhân nào đã bị phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, tài sản bị phong tỏa chỉ là một phần nhỏ trong tổng tài sản mà người Nga nắm giữ ở Thụy Sĩ, trong đó các ngân hàng nước này nắm giữ 150 tỷ Franc, theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ – quốc gia trung lập ở vùng núi Alps, không phải thành viên EU – đang tham gia thảo luận nhưng chưa quyết định có ủng hộ đề xuất của EC về sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết quốc gia Đông Âu hay không.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Politico EU, Reuters)