Thế giới

EU tham gia cuộc đua chất bán dẫn đang nóng lên trên toàn cầu

Cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu dự báo tình trạng khan hiếm chất bán dẫn sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực.

Ủy ban châu  Âu (EC) ngày 18/11 tuyên bố sẽ cho phép 27 quốc gia thành viên được trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tình trạng khan hiếm chip nghiêm trọng đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng để đảm ứng nhu cầu.

Cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu dự báo tình trạng khan hiếm chất bán dẫn sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực.

Chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ điện thoại thông minh đến ngành sản xuất ô tô. Đặc biệt, ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt này, sản lượng có thể tiếp tục bị sụt giảm, thậm chí phải tạm dừng sản xuất.

Trụ sở Ủy ban Châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Shutterstock.com

Theo AP, Liên minh Châu Âu (EU) muốn thúc đẩy sản xuất nội khối và giảm sự phụ thuộc do hầu hết các nhà sản xuất chip có trụ sở tại châu Á. Bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, cho biết: “Ủy ban sẽ xem xét phê chuẩn các chương trình trợ cấp để thu hẹp khoảng cách đầu tư trong hệ sinh thái chip bán dẫn. Đây sẽ là chương trình trợ cấp đầu tiên dạng này tại châu Âu”.

Bà cho biết các biện pháp sẽ được thực hiện để đảm bảo viện trợ là “cần thiết, phù hợp, tương xứng và hạn chế hành vi cạnh tranh bóp méo thị trường”. Bà nói thêm: “Mục tiêu của chương trình là đa dạng hóa các đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, tránh những thất bại ở các mắt xích đơn lẻ”.

Trước đó, vào tháng 9, EC đã có kế hoạch đề xuất Đạo luật về chip Châu Âu nhằm thúc đẩy sự sản xuất chất bán dẫn tại khu vực EU. Đầu năm nay, khối cũng đã khởi động một liên minh công nghiệp hướng đến mục tiêu chiếm 20% thị phần ngành sản xuất bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, trong bài phát biểu vào ngày 18/7/2018. Ảnh: Getty Images.

Như vậy, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã công bố các bước đi trong cuộc đua bán dẫn đang “nóng” lên trên toàn cầu. 

Theo DCD, đầu năm nay, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới, bao gồm tài trợ 52 tỷ USD cho mục tiêu thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa, là một phần trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc về thương mại và công nghệ.

Hàn Quốc cho biết sẽ chi 451 tỷ USD bao gồm cả đầu tư công và tư để trở thành “một gã khổng lồ sản xuất chất bán dẫn”. Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào ngành bán dẫn để ứng phó với các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến khả năng của nước này trong việc tiếp cận công nghệ chip.

Phạm Thu Thanh (theo AP, DCD)