Thế giới

EU sẽ họp khẩn để giới hạn giá khí đốt nhập khẩu

Châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn một thảm họa năng lượng có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và thậm chí cả tài chính.

Các nhà lãnh đạo ở “lục địa già” đã làm việc trong nhiều tháng để cố gắng bù đắp tác động của việc Nga siết chặt nguồn cung khí đốt - một động thái mà họ mô tả là “vũ khí hóa năng lượng”. Nhưng quyết định vào cuối ngày 2/9 của Gazprom PJSC về việc đóng cửa đường ống Nord Stream “vô thời hạn” đã mang lại một cảm giác cấp bách mới.

EU sẽ thảo luận về các biện pháp đặc biệt để kiềm chế giá năng lượng tăng vọt, bao gồm giới hạn giá khí đốt và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng, trong bối cảnh khối này chạy đua để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc.

Trong cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 9/9 tới, các bộ trưởng EU sẽ thảo luận về các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự gia tăng giá khí đốt và giá điện đang tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp châu Âu và hóa đơn hộ gia đình, sau khi Nga hạn chế việc cung cấp khí đốt cho khối.

Các bộ trưởng EU sẽ xem xét các lựa chọn bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt dùng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện hành của EU, theo tài liệu dự thảo do Cộng hòa Séc, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, biên soạn.

Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét cung cấp “hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu” khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng đang đối mặt với các yêu cầu ký quỹ rất cao, tài liệu trên cho biết.

Một chiếc xe tải chở dầu khởi hành từ nhà ga Oiltanking Deutschland GmbH & Co. KG ở cảng Hamburg ở Hamburg, Đức, ngày 24/8/2022. Đức sẽ ưu tiên vận chuyển nhiên liệu và than cho các nhà máy điện trên mạng lưới đường sắt của nước này trong động thái mới nhất của chính phủ Đức nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng vượt khỏi tầm kiểm soát trong mùa đông này. Ảnh: Bloomberg

Châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn một thảm họa năng lượng có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và thậm chí cả tài chính.

Các nhà chức trách Bắc Âu đã đi trước một bước. Hôm 4/9, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỷ USD đảm bảo thanh khoản cho các công ty điện lực đang gặp khó khăn với các yêu cầu về tài sản thế chấp, đồng thời cho rằng có nguy cơ tái hiện sự sụp đổ của “Lehman”.

Cũng trong ngày 4/9, Đức - quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc Nord Stream “khóa van” - đã công bố gói cứu trợ 65 tỷ USD để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Cuối tuần qua, hàng nghìn người Séc đã xuống đường biểu tình, như một lời nhắc nhở về những rủi ro chính trị và xã hội mà những căng thẳng hiện tại mang lại.

“Rõ ràng rằng mùa sưởi ấm sắp tới sẽ kiểm tra khả năng phục hồi của thị trường năng lượng EU”, dự thảo tài liệu cho cuộc họp khẩn cho biết. “Điều quan trọng là phải nắm bắt các diễn biến thị trường và xác định các biện pháp khả thi để giải quyết giá điện cao do giá khí đốt cao”.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)