Thế giới

EU khởi động chương trình khí hậu mới

EU đặt mục tiêu giải quyết các thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu thông qua cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính ở hơn 100 thành phố trên khắp châu Âu.

Kế hoạch mới của Brussels sẽ giúp các thành phố như Sofia (Bulgaria), Rome (Ý), Budapest (Hungary) và Paris (Pháp) thúc đẩy quá trình khử carbon.

Việc cắt giảm lượng phát thải của một thành phố xuống mức bằng “0” có vẻ là một điều xa vời. Tuy nhiên 100 thành phố của EU đã cam kết hoàn thành điều đó vào cuối thập kỷ này.

Là một phần của dự án “100 Thành phố Thông minh và Trung hòa Khí hậu” của Ủy ban châu Âu (EC) được khởi động hôm 28/4, các thành phố có tên trong danh sách đã cam kết đến trước năm 2030 sẽ cắt giảm đáng kể lượng phát thải. Đồng thời, EU cũng sẽ hỗ trợ các thành phố để đạt được mục tiêu đó.

Sáng kiến này đã thu hút hơn 370 đơn đăng ký, với các thành phố được lựa chọn dựa trên điểm mạnh trong kế hoạch của họ và sự nhiệt tình trong việc đạt được mục tiêu đề ra. 12 thành phố không thuộc EU bao gồm Glasgow (Scotland), Sarajevo (Bosna và Hercegovina) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng được duyệt tham gia chương trình này.

“Các thành phố đang đi đầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu”, Phó Chủ tịch EC phụ trách khí hậu Frans Timmermans cho biết.

"Cho dù đó là phủ xanh không gian đô thị, giải quyết ô nhiễm không khí, giảm tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà hay thúc đẩy các giải pháp mang tính di chuyển sạch: Các thành phố thường là trung tâm của những thay đổi cần thiết đối với châu Âu để thành công trong công cuộc chuyển đổi sang trung hòa khí hậu".

Trên thế giới, các khu vực đô thị thải ra hơn 70% lượng khí CO2. Một báo cáo quan trọng từ Hội đồng khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc được công bố vào đầu tháng này cho thấy sự đòi hỏi phải thay đổi cách "thiết kế, xây dựng và quản lý" các khu vực đô thị để đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris và tránh thảm họa biến đổi khí hậu.

Hơn 70% lượng khí thải CO2 trên thế giới đến từ các khu đô thị. Ảnh: Bloomberg

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Phó Chủ tịch EC phụ trách Giao thông Vận tải Matthew Baldwin, người phụ trách dự án, chia sẻ với Politico rằng các thành phố, với tham vọng “xanh hóa”, sự hội tụ của các công dân toàn cầu và quy mô của mình, hiển nhiên là những nơi cần thiết phải đi đầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nằm trong khuôn khổ chương trình, 112 thành phố tham gia, với quy mô dân số khoảng 75 triệu người, sẽ soạn thảo "hợp đồng thành phố khí hậu". Hợp đồng này đề ra các kế hoạch hành động và đầu tư mà các thành phố dự định thực hiện nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu.

Mặc dù các kế hoạch này không chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý, ông Baldwin cho rằng các thành phố vẫn có động lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu, nếu không uy tín của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Danh sách bao gồm các thành phố nổi bật trong việc thúc đẩy các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, bao gồm Copenhagen (Đan Mạch) và Gothenburg (Thụy Điển), cũng như các thành phố vừa mới vượt qua thách thức như Paris (Pháp) và Milan (Ý). Những thành phố thuộc các quốc gia đã trì hoãn hành động liên quan đến khí hậu như Łódź (Ba Lan) và Budapest (Hungary) cũng nằm trong danh sách.

Một nhóm gồm 34 tổ chức về thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như các chuyên gia ở cấp quốc gia và EU, sẽ giúp các thành phố soạn thảo “hợp đồng” sao cho có thể giành được sự công nhận của EC. Sự công nhận này sẽ là điều kiện thuận lợi cho các thành phố trong việc tiếp cận với nguồn tài chính tư nhân, theo ông Baldwin.

Ông Baldwin nhấn mạnh rằng dự án được thiết kế theo góc độ "từ dưới lên", với mục tiêu để các thành phố tự quyết định lộ trình đạt được sự trung hòa khí hậu và trao đổi các phương pháp tối ưu nhất với những thành viên khác.

Lần này EC sẽ không làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc” hay ra lệnh cho các thành phố phải làm gì, ông Baldwin giải thích. "Thay vào đó, chúng tôi đang yêu cầu các  thành phố tự soạn ra các chiến lược thích hợp, vì có thể những gì phù hợp với Gothenburg (Thụy Điển) sẽ không giống với những gì phù hợp với Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)".

Khu bến cảng Nyhavn nổi tiếng của Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Euronews

Hôm 28/4, lãnh đạo các thành phố được chọn đã ăn mừng việc được góp mặt trong chương trình.

Ông Matteo Lepore, Thị trưởng thành phố Bologna (Ý), cam kết thành phố sẽ đạt được mục tiêu vào năm 2030 và "đã bắt đầu làm việc với tất cả công dân Bologna về vấn đề này". Ông nói thêm: "Việc trở thành một phần của sứ mệnh này đồng thời nhận được hỗ trợ từ các thành phố khác trên khắp châu Âu sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy nỗ lực trung hòa khí hậu".

Ông Carlos Moedas, Thị trưởng thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha), cho biết thủ đô Bồ Đào Nha "vô cùng tự hào được lọt vào danh sách 100 thành phố triển khai chiến dịch trung hòa carbon trước năm 2030" và sẽ đầu tư 1/3 tổng ngân sách thành phố vào các biện pháp cụ thể liên quan đến sáng kiến này.

"Các thành phố là nơi có thể biến điều đó trở thành hiện thực", ông Moedas nhận định.

Hoàng Ngân (Theo Politico.eu)