Thế giới

EU đối mặt với khó khăn để thống nhất trừng phạt dầu mỏ từ Nga

Hiện tại, quả bóng đang ở trên sân của Hungary - thành viên lớn tiếng nhất trong số những thành viên của EU phản đối lệnh trừng phạt dầu mỏ.

Những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp đặt một vòng trừng phạt mới chống lại Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục đối mặt với khó khăn vào hôm 16/5, khi một nhóm nhỏ các quốc gia thành viên do Hungary dẫn đầu đã phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Trong vòng chưa đầy ba tháng kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào ngày 24/2, khối đã thực hiện năm vòng trừng phạt đối với Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin, các quan chức cấp cao, hơn 350 nhà lập pháp và các nhà tài phiệt ủng hộ Điện Kremlin đã bị đóng băng tài sản và cấm đi lại. Các ngân hàng, công ty và các kênh tuyên truyền của Nga cũng là mục tiêu bị nhắm đến.

Tuy nhiên, việc hạn chế thu nhập của Nga từ năng lượng bằng cách loại bỏ sự phụ thuộc của các quốc gia vào dầu mỏ nước này - chưa kể đến nguồn cung khí đốt - đang cho thấy là một điều khó khăn hơn để thực hiện.

Hungary hiện vẫn phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga được thảo luận trong cuộc họp ngoại trưởng của các quốc gia thành viên EU. Để lệnh trừng phạt có hiệu lực, nó cần được sự đồng ý của tất cả 27 quốc gia thành viên trong liên minh.

Vào hôm 4/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất vòng trừng phạt thứ sáu bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Chủ tịch Ủy ban EC Ursula von der Leyen khi ấy đã thừa nhận việc đạt được sự thống nhất của tất cả thành viên là “sẽ không dễ dàng”.

Hungary là một trong số các quốc gia không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, cùng với Cộng hòa Séc và Slovakia. Hungary nhập khẩu tới 85% khí đốt tự nhiên và hơn 60% dầu từ Nga. Các quốc gia như Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đã được cho thêm thời gian để loại bỏ dần sự phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhấn mạnh sự phụ thuộc của Hungary vào năng lượng của Nga và nói rằng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này khiến cho việc ngừng nhận dầu từ Nga là điều không thể.

Ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, nhấn mạnh trong phát biểu bên lề cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao khối EU ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 16/5: “Một số quốc gia thành viên phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì họ phụ thuộc nhiều hơn, vì họ nằm trong đất liền"; “Họ chỉ có dầu qua đường ống và đến từ Nga”. Ông Borrell cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình huống này".

Ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh. Ảnh: Getty Images.

Để thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga cần sự ủng hộ từ tất cả 27 quốc gia EU. Hiện tại, quả bóng đang ở trên sân của Hungary - thành viên lớn tiếng nhất trong số những thành viên của EU phản đối lệnh trừng phạt dầu mỏ.

Một số thành viên khác của EU đã bày tỏ phản đối lập trường của Hungary. Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nhận định “Toàn bộ liên minh đang bị một quốc gia thành viên bắt làm con tin". Ông cho biết cảm thấy thời hạn cho phép để Hungary và các quốc gia khác loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng là đủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney thừa nhận “Đây là những vấn đề khó khăn đối với một số quốc gia”. Ông nói thêm: “Hôm nay chúng ta đừng tập trung vào những trở ngại và tiêu cực”.

Hungary hiện đã yêu cầu viện trợ tài chính và muốn thêm thời gian để thực hiện lệnh cấm vận. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng đã tham dự các cuộc đàm phán. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa lệnh cấm dầu vào vòng trừng phạt mới nhất của EU, đồng thời cảnh báo về niềm vui của Nga trong trường hợp khối không đạt được thỏa thuận.

Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg mong đợi sẽ đạt được sự đồng thuận "trong những ngày tới". Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cũng bày tỏ tin tưởng rằng gói trừng phạt mới sẽ được áp dụng, nhưng nói thêm rằng khối "cần có thêm thời gian".

Phạm Hà Thanh (theo DW, AP)