Thế giới

EU đề xuất hạn chế nhập khẩu cà phê, đồ nội thất...

Cà phê và đồ nội thất nằm trong số các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường EU được đề xuất thẩm định xem có liên quan đến nạn phá rừng.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 17/11 đề xuất một dự thảo luật nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng bằng cách yêu cầu các công ty nhập khẩu chứng minh chuỗi cung ứng toàn cầu của họ không góp phần vào việc tàn phá rừng.

Dự thảo luật đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với các nhà nhập khẩu các mặt hàng cụ thể vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) với 450 triệu người tiêu dùng, bao gồm đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao và cà phê, và một số sản phẩm phái sinh bao gồm da, sô-cô-la và đồ nội thất.

Nhiều công ty châu Âu có các hoạt động rộng khắp trên toàn cầu, bao gồm cả ở các quốc gia nơi các vi phạm về môi trường diễn ra tràn lan. Tuy nhiên, trước đề xuất về dự thảo luật này, không có bất cứ điều luật nào trên toàn EU về thẩm định hàng nhập khẩu nhằm ngăn chặn nạn phá rừng.

Dự thảo luật được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thế giới từ các quốc gia như Brazil, Trung Quốc và Malaysia tuyên bố sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 tại hội nghị thượng đỉnh COP26 diễn ra vào tháng này.

"Để thành công trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, chúng ta phải có trách nhiệm hành động ở trong nước cũng như ở nước ngoài", Giám đốc Chính sách Khí hậu của EU, Frans Timmermans, cho biết.

"Quy định về chống phá rừng của chúng tôi đáp ứng lời kêu gọi của công chúng nhằm giảm thiểu sự đóng góp của châu Âu vào nạn phá rừng", ông cho biết thêm.

Cuộc tham vấn cộng đồng về dự thảo luật đã thu thập được hơn 1,2 triệu phản hồi, đây là cuộc tham vấn lớn thứ hai trong lịch sử EU.

Dự thảo luật sẽ cần được chính phủ các nước trong khối và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Một khi dự thảo luật được thông qua thành luật, các công ty nhập khẩu sẽ phải chứng tỏ các mặt hàng được liệt kê ở trên được sản xuất theo luật của nước sản xuất.

Đồng thời, họ cũng sẽ phải chứng minh các mặt hàng này không được sản xuất trên bất kỳ vùng đất nào có được từ việc phá rừng hoặc vùng đất bị suy thoái sau ngày 31/12/2020, ngay cả khi hoạt động sản xuất ở đó là hợp pháp theo luật của nước sản xuất.

Theo Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevičius đề xuất này là một sáng kiến tiên phong. Ảnh: The European Sting

"Các quy định về chống phá rừng mà chúng tôi đang đưa ra là nỗ lực lập pháp tham vọng nhất để giải quyết những vấn đề này trên toàn thế giới từ trước đến nay", Ủy viên Môi trường EU, Virginijus Sinkevičius, cho biết. "Những gì chúng tôi đề xuất là một sáng kiến tiên phong".

“Chỉ hành động của EU sẽ không giải quyết được vấn đề. Chúng tôi cũng cần sự hưởng ứng từ các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc để làm sạch chuỗi cung ứng của họ, và chúng tôi cần các nhà sản xuất đẩy mạnh bảo vệ rừng”, Sinkevičius nhận định. “Và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ thúc đẩy quá trình này”.

Các mặt hàng được lựa chọn dựa trên đánh giá tác động của EU. Tuy nhiên, EC đề xuất luật cần xem xét và cập nhật thường xuyên, cho phép bổ sung các mặt hàng và sản phẩm mới vào danh sách cần thẩm định.

Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian)