Thế giới

EU đang trên đà tiếp nhận hơn 1 triệu đơn xin tị nạn

Chỗ ở và hỗ trợ cho người tị nạn bị kéo căng nhiều hơn trong bối cảnh một số nước EU đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn xung đột với Nga.

Số người nộp đơn xin tị nạn tại EU đã tăng 28% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu chính thức do Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) công bố hôm 5/9 cho thấy.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến cuối tháng 6 năm nay, 519.000 đơn xin tị nạn đã được gửi tới EU và các quốc gia châu Âu khác là Thụy Sĩ và Na Uy (gọi là EU+), EUAA cho biết.

Với đà này, EU có thể sẽ tiếp nhận hơn 1 triệu đơn xin tị nạn trong năm nay – con số lớn nhất kể từ năm 2015-2016 khi khối này chứng kiến làn sóng người tị nạn khổng lồ, chủ yếu là người Syria, chạy trốn xung đột ở quê hương họ.

Năm 2015, EU nhận được 1,35 triệu đơn xin tị nạn, và nhận thêm 1,25 triệu đơn vào năm 2016.

Các con số đã giảm vào năm 2017 sau khi khối này thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát các hoạt động vượt biên bất thường và trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021 khi các hạn chế đi lại được áp dụng.

Kể từ đó đến nay, số đơn xin tị nạn đã tăng trở lại, với việc năm 2022 chứng kiến mức tăng đột biến 53%, khiến nhiều nước thành viên EU hứng chịu áp lực, EUAA cho biết.

Người di cư được lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia hộ tống. Ảnh: Politico EU

Chỗ ở và hỗ trợ cho người tị nạn bị kéo căng nhiều hơn trong bối cảnh một số nước EU đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn Ukraine theo một quy chế riêng trong bối cảnh cuộc chiến của Nga trên quê hương họ.

Người Syria và người Afghanistan chiếm gần 1/4 số đơn xin tị nạn mà EU nhận được từ đầu năm đến nay, tiếp theo là người đến từ Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Bangladesh và Pakistan.

Đức, quốc gia tiếp nhận hầu hết người tị nạn Syria trong năm 2015-2016, tiếp tục là điểm đến hàng đầu EU đối với những người xin tị nạn đến từ Syria và Afghanistan. Quốc gia Tây Âu đã nhận được 62% trong tổng số đơn xin tị nạn của người Syria ở EU trong nửa đầu năm 2023.

Tây Ban Nha là điểm đến chính của những người Venezuela xin tị nạn. Nhìn chung, 41% người nộp đơn nhận được quy chế tị nạn hoặc một hình thức bảo vệ khác cho phép họ ở lại, nhưng kết quả rất khác nhau liên quan đến các quốc tịch khác nhau.

Người Syria và người Afghanistan, do xung đột trong nước, có nhiều khả năng nhận được quy chế như vậy hơn, trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều khả năng bị từ chối hơn.

EUAA cũng cho biết số lượng người Nga và Iran được cấp sự bảo vệ ở châu Âu đã tăng lên so với những năm gần đây.

Minh Đức (Theo Euractiv, Euronews)