Thế giới

EU công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 300 tỷ Euro

Tuy không đề cập đến BRI, nhưng “Global Gateway” của EU được cho là một nỗ lực của châu Âu nhằm thách thức sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu hôm 1/12 đã công bố một kế hoạch cơ sở hạ tầng quốc tế có tên "Global Gateway" (Cửa ngõ Toàn cầu), nhằm huy động 300 tỷ Euro (340 tỷ USD) đầu tư vào cơ sở hạ tầng công và tư.

Kế hoạch Global Gateway nhằm củng cố chuỗi cung ứng của châu Âu, thúc đẩy thương mại của EU và giúp chống lại biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực số hóa, y tế, khí hậu, năng lượng và giao thông, cũng như giáo dục và nghiên cứu.

Kế hoạch này không đề cập đến đối thủ và chiến lược cơ sở hạ tầng quốc tế lâu đời hơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Global Gateway "có phạm vi toàn cầu, phù hợp với nhu cầu và lợi ích chiến lược của các khu vực khác nhau" và đang được coi là một nỗ lực của châu Âu nhằm thách thức Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

"Chúng tôi muốn Global Gateway trở thành một thương hiệu đáng tin cậy, nổi bật với chất lượng cao, tiêu chuẩn đáng tin cậy, mức độ minh bạch cao và quản trị tốt", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết.

Kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng của EU

Các nước G7 đã phát triển một kế hoạch tại hội nghị thượng đỉnh đầu năm nay ở Cornwall (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) nhằm đưa ra cho các quốc gia trên toàn cầu một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc.

Theo tài liệu phác thảo kế hoạch, Global Gateway nhằm mục đích huy động nguồn lực trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2027.

Nguồn lực của EU, dưới dạng các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay và bảo lãnh, sẽ đến từ các tổ chức, chính phủ thuộc khối, cũng như các tổ chức tài chính của EU và các ngân hàng phát triển quốc gia. Global Gateway cũng sẽ huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cũng như khu vực tư nhân.

Nguồn lực sẽ được phân bổ "theo các điều khoản công bằng và thuận lợi" để không khiến chính phủ các nước thứ ba gặp khó khăn về nợ, EC cho biết.

Kế hoạch Global Gateway của EU tập trung vào các lĩnh vực số hóa, y tế, khí hậu, năng lượng và giao thông, cũng như giáo dục và nghiên cứu. Ảnh: The Diplomat

Theo EC, Global Gateway sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng phần cứng, như cáp quang, hành lang giao thông sạch và đường dây truyền tải điện sạch để tăng cường các mạng lưới kỹ thuật số, giao thông và năng lượng.

Bằng cách giúp đỡ các quốc gia khác, EC cho biết, EU cũng sẽ thúc đẩy lợi ích của chính mình và củng cố chuỗi cung ứng của mình, với những điểm yếu hại đã được phơi bày trong đại dịch Covid-19.

EC cho biết trên trang web của mình, Global Gateway và các sáng kiến như Build Back Better World (B3W) của các nước G7 sẽ củng cố lẫn nhau.

Global Gateway cũng hy vọng sẽ truyền bá công nghệ và chuyên môn của Châu Âu đến các nước đang phát triển.

“Con đường Tơ lụa” mới của Trung Quốc

Được ra mắt vào năm 2013, chiến lược đầu tư toàn cầu, gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là một dự án mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc cho biết, họ đã đầu tư 139,8 tỷ USD tính đến năm 2020, trong đó có 22,5 tỷ USD chỉ tính riêng năm ngoái.

Kế hoạch này, đôi khi còn được biết đến với tên gọi “Con đường Tơ lụa Mới” (New Silk Road), nhằm phát triển cơ sở hạ tầng trên bộ và trên biển để kết nối tốt hơn giữa Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi cho mục đích giao thương và phát triển. BRI đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tác trên khắp thế giới.

Minh Đức (Theo DW, The Hindu)