Thế giới

EU chuẩn bị chiến lược cho giai đoạn mới của đại dịch Covid-19

Ngày 27/4, EU tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Covid-19, nhấn mạnh khối này cần tập trung tiêm chủng, xét nghiệm có mục tiêu, không buông lỏng giám sát dịch.

Hôm 27/4, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Covid-19.

Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 giảm, biến chủng chiếm ưu thế là Omicron không gây triệu chứng nặng và nhiều nước thành viên đã dỡ bỏ hạn chế phòng dịch.

Hồi tháng 1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói, Covid-19 nên được coi như bệnh cúm. Thụy Điển đã dừng xét nghiệm diện rộng và dỡ bỏ hạn chế vào tháng 2, Ý chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào hôm 31/3.

"Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, khi chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang quản lý bền vững hơn dịch Covid-19", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.

Trong tài liệu phác thảo chiến lược giai đoạn mới, EU cho biết vắc-xin vẫn thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19 và kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người chưa tiêm, đặc biệt khuyến nghị các nước xem xét chiến lược để tăng cường tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trước khi bắt đầu năm học mới.

Họ kêu gọi các nước áp dụng càng sớm càng tốt các hệ thống giám sát tích hợp quanh năm đối với các bệnh hô hấp cấp tính (gồm Covid-19, cúm và các bệnh khác). Theo họ, cần đẩy mạnh giám sát các biến thể mới và phòng dịch tái bùng phát.

Tài liệu cũng nói, EU "cân nhắc hỗ trợ các dự án nhằm mục tiêu phát triển thuốc kháng virus" và phát triển thế hệ vắc-xin mới với kỳ vọng giúp bảo vệ tốt và lâu dài hơn.

Về dài hạn, EC đã vạch ra một số kịch bản diễn biến dịch. Trong kịch bản tốt đẹp nhất, Covid-19 sẽ trở nên dễ quản lý, nhưng trong kịch bản u ám, các bệnh viện quá tải thường xuyên hoặc xuất hiện biến thể mới có thể buộc phải áp dụng lại những hạn chế.

Vì vậy, EU cảnh báo "Covid-19 vẫn hiện diện ở đây," có khả năng là sự xuất hiện của các biến thể mới và "sự cảnh giác và chuẩn bị" do đó vẫn cần thiết. Các chính phủ EU được khuyến cáo nên giữ nguyên trạng thái của mình và sẵn sàng áp dụng các biện pháp khẩn cấp nếu cần thiết.

"Chúng ta vẫn phải cảnh giác. Số ca nhiễm còn cao ở EU và vẫn nhiều người đang chết vì Covid-19 trên khắp thế giới. Hơn nữa, các biến thể mới có thể xuất hiện và lây lan nhanh chóng", bà Ursula von der Leyen lưu ý.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng từng cảnh báo về điều này. Ông kêu gọi các nước duy trì giám sát các ca nhiễm nCoV, cho rằng thế giới còn nhiều điều chưa biết về cách thức virus lây lan do tỉ lệ xét nghiệm thấp.

WHO là cơ quan chịu trách nhiệm tuyên bố đại dịch kết thúc. Đây là động thái có ý nghĩa pháp lý lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bảo hiểm và sản xuất vắc-xin. Và hiện WHO cho biết đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Thêm vào đó, dù đến nay, hơn 2/3 dân số trưởng thành EU đã tiêm vắc-xin, nhưng một số nước vẫn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, dân số của họ vẫn dễ bị tổn thương. Chẳng hạn trong khi 70% dân số Malta đã tiêm mũi tăng cường thì ở Bulgaria chỉ là 10%.

Ngoài ra, bà Stella Kyriakides (ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề y tế) cho biết, khoảng 60-80% dân số EU đã mắc Covid-19 và khoảng 10% bị các triệu chứng kéo dài. "Điều này cần phải được đánh giá rất nghiêm túc", bà Kyriakides nói.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, TTXVN)