Thế giới

EU chia rẽ về vấn đề loại Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT

Các nước thành viên EU có quan điểm trái chiều về việc có nên loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT hay không, dù Nga đã tấn công quân sự Ukraine.

EU đang đối mặt với sự phản đối gay gắt từ chính phủ Ukraine sau khi giới lãnh đạo châu Âu dường như đã quyết định không loại bỏ Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), ngay cả khi Nga tiến hành tấn công quân sự Ukraine.

SWIFT được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên khắp thế giới sử dụng để gửi lệnh thanh toán với tính bảo mật cao, và là chìa khóa trong dòng tiền chảy vào ngành dầu khí của Nga. Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT có thể sẽ làm việc gửi tiền ra hoặc vào Nga gần như bất khả thi, đem lại nhiều hệ quả cho nền kinh tế nước này và cho cả các quốc gia châu Âu.  

Một số nước châu Âu cho rằng không còn lý do gì để chờ đợi việc loại Nga khỏi SWIFT; quan điểm này cũng được chính phủ Vương quốc Anh của Thủ tướng Boris Johnson chia sẻ.

Người phát ngôn của ông Johnson cho biết: “Có nhiều quan điểm về biện pháp này và chúng tôi công nhận rằng đó là một thách thức. Nhưng đây rõ ràng là ý định của thủ tướng, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về việc này".

Thủ tướng Ireland Micheál Martin cũng nói rằng Ireland sẽ ủng hộ “biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể”.  

Tổng thống Litva Gitanas Nausėda nói EU cần học được bài học rằng các biện pháp trừng phạt trước đó của liên minh này là “quá yếu đuối”. Theo ông Nausėda, thảo luận có ích nhưng EU không thể cứ mãi thảo luận mà không hỗ trợ Ukraine, bằng không sẽ là quá muộn.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lại cho rằng EU cần đoàn kết và có biện pháp trừng phạt mạnh tay nếu muốn duy trì vị thế của mình trên thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi tại hội nghị khẩn của EU về xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Olivier Hoslet/AP.

Các nguồn tin ngoại giao cho thấy Đức, CH Síp và Italy là những nước thành viên EU quan ngại nhất với biện pháp loại Nga khỏi SWIFT ở thời điểm hiện tại, với luận điểm cho rằng cần duy trì biện pháp nhất định mang tính dự phòng để có cửa đàm phán và chấm dứt chiến tranh.

Một nhà ngoại giao EU cũng giải thích rằng các biện pháp trừng phạt được toàn thể EU ủng hộ “sẽ hiệu quả hơn nhiều với hệ quả lớn hơn so với việc tập trung vào riêng vấn đề SWIFT, vốn là thứ có thể rất quan trọng với một số nước thành viên EU”. 

Tình thế chia rẽ tại EU đã được thể hiện rõ khi các lãnh đạo nước thành viên gặp gỡ tại Brussels. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã xác nhận rằng ông phản đối việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế và cho rằng nên dành biện pháp này cho trường hợp tình thế trở nên căng thẳng hơn nữa. 

Sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ có biện pháp trừng phạt nhằm “kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Nga, tăng chi phí vay và lạm phát, đẩy kinh tế Nga vào suy thoái và chặn xuất khẩu các linh kiện không thay thế được sang Nga”.

Bà von de Leyen nói thêm: “Tôi sẽ nói rất rõ ràng: Tổng thống Putin sẽ là người phải giải thích chuyện này trước mọi công dân Nga. Tôi biết người dân Nga không muốn cuộc chiến tranh này".

Belarus cũng sẽ trở thành mục tiêu của lệnh trừng phạt từ EU do hỗ trợ Nga tiến hành tấn công quân sự Ukraine.

Tùng Phong (Theo The Guardian)