Thế giới

EU: Áp thuế với công ty năng lượng hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraina

Cơ quan điều hành của EU đề xuất đánh thuế bạo lợi đối với những bên hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng đã tạm từ bỏ áp giá trần khí đốt Nga.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất các biện pháp hạn chế doanh thu từ các nhà sản xuất điện có nguồn đầu vào giá rẻ và buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch phải chia sẻ lợi nhuận mà họ kiếm được từ việc giá năng lượng tăng cao, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết hôm 14/9.

Các chính phủ ở châu Âu đã chi hàng trăm tỷ Euro để cắt giảm thuế, phân bổ và trợ cấp để cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng, thúc đẩy bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đang thúc đẩy lạm phát leo thang, buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa sản xuất và tăng hóa đơn năng lượng của người dân trước mùa đông.

“Trong những thời điểm này, thật sai trái khi ai đó cứ nhận những khoản doanh thu và lợi nhuận kỷ lục bất thường được hưởng từ chiến tranh và từ phía người tiêu dùng của chúng ta. Trong những thời điểm này, lợi nhuận phải được chia sẻ và chuyển đến những người cần nó nhất”, bà von der Leyen cho biết trong một bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp.

Bà cho biết, EU cũng đang thảo luận về giới hạn giá năng lượng và làm việc để thiết lập một mức giá “tiêu chuẩn đại diện hơn” cho khí đốt so với giá TTF ở Hà Lan, nơi giá khí đốt đã tăng vọt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 14/9/2022. Ảnh: Independent.ie

Trong khi một số người ở châu Âu, nhìn vào sự tăng vọt về giá năng lượng, đã lập luận rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đang ảnh hưởng nhiều hơn đến phương Tây, bà von der Leyen tuyên bố, các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại cho Nga.

Bà cho biết, nền tài chính của Nga đang phải “điều trị tích cực”, và gần 1.000 công ty quốc tế đã rời khỏi nước này.

“Quân đội Nga đang lấy chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa các thiết bị quân sự của họ, vì họ đã hết sạch chất bán dẫn. Ngành công nghiệp của Nga đang điêu đứng”.

Vào thời điểm Ukraine đang nỗ lực bảo vệ vùng lãnh thổ mà họ vừa tái chiếm từ tay các lực lượng Nga trong một cuộc phản công chớp nhoáng, bà von der Leyen cho rằng đây không phải là thời điểm để EU giảm nhẹ lập trường của mình.

“Đây là thời điểm để chúng ta thể hiện quyết tâm chứ không phải xoa dịu”, bà nói, đồng thời cho rằng EU cần duy trì lập trường này trong dài hạn.

Không có giá trần khí đốt Nga

Một bản dự thảo về các đề xuất của EC, trước đó đã được Reuters nhìn thấy, cho biết, một phần nguồn thu từ các nhà máy điện ở châu Âu không chạy bằng khí đốt sẽ được huy động để các chính phủ chi tiêu với mục đích giúp các doanh nghiệp và người dân thanh toán hóa đơn của họ. Dự thảo vẫn có thể được thay đổi trước khi được xuất bản.

Theo dự thảo, các trang trại phong điện và quang điện cũng như các nhà máy điện hạt nhân sẽ phải đối mặt với mức giá trần bán điện là 180 Euro (180 đô la) mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi phần doanh thu dôi ra sẽ đượ huy động để hỗ trợ người tiêu dùng.

Điều đó sẽ giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện ở mức thấp hơn một nửa so với giá thị trường hiện tại. Giá điện đầu năm ở Đức đã đạt mức cao kỷ lục hơn 1.000 Euro/MWh vào tháng trước, và được giao dịch ở mức trên 400 Euro/MWh hôm 13/9.

Các quốc gia thành viên EU sẽ có thể lựa chọn "thời gian cao điểm" để giảm mức sử dụng điện năng. Ảnh: Politico.eu

Dự thảo cũng cho biết, các công ty nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ phải đối mặt với thuế bạo lợi liên quan đến phần “lợi nhuận bất ngờ” đến từ việc giá dầu và khí đốt tăng cao do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt EU theo sau xung đột ở Ukraine. Các công ty dầu khí, than đá và lọc dầu sẽ phải đóng góp 33% lợi nhuận thặng dư chịu thuế từ năm tài chính 2022.

Tuy nhiên, EC đã rút lại kế hoạch ban đầu về giới hạn giá khí đốt nhập từ Nga, và các nước thành viên EU đang chia rẽ về việc liệu mức giới hạn giá rộng hơn sẽ giúp ích hay gây hại cho nỗ lực của châu Âu nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng mùa đông.

Các nước EU sẽ phải đàm phán về các đề xuất của EC và thống nhất các điều khoản cuối cùng. Với việc đề xuất gây tranh cãi về giá trần khí đốt đã bị loại bỏ - ít nhất là ở thời điểm hiện tại - các nhà ngoại giao từ một số quốc gia lạc quan rằng các thỏa thuận có thể được ký kết tại cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng các nước EU vào ngày 30/9 tới.

Minh Đức (Theo Reuters, RTE)