Công nghệ

Ericsson nỗ lực giành lại thị phần đã mất ở Trung Quốc

Giám đốc điều hành cấp cao nhất của Ericsson khẳng định công ty đã có mặt ở Trung Quốc 120 năm và sẽ không dễ dàng từ bỏ thị trường này.

CEO của Ericsson, công ty mạng và viễn thông đa quốc gia của Thụy Điển, tuyên bố sẽ tăng gấp đôi nỗ lực giành lại thị phần đã mất ở Trung Quốc sau khi Thụy Điển cùng với các nước châu Âu khác chặn các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei, ZTE triển khai mạng 5G hồi tháng 10/2020.

Động thái này đã gây phản cảm với Bắc Kinh và đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất thiết bị di động này.

Trung Quốc chiếm khoảng 10% doanh thu của Ericsson vào năm ngoái. Nhưng con số này đã giảm mạnh sau khi Thụy Điển cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của họ, với lý do rủi ro bảo mật - một cáo buộc mà Huawei đã mạnh mẽ phủ nhận.

Ericsson đã cảnh báo về sự trả đũa của Trung Quốc sau lệnh cấm Huawei của Thụy Điển. Ảnh: Financial Times

Ericsson đã được trao khoảng 2% trong hợp đồng 5G của China Mobile, giảm so với 11% của năm ngoái, và nhận được 3% cổ phần trong hợp đồng vô tuyến 5G chung giữa China Telecom và China Unicom.

China Mobile, China Telecom và China Unicom là ba nhà khai thác viễn thông lớn nhất của Trung Quốc.

"Chúng tôi đã ở Trung Quốc 120 năm, và tôi không có ý định từ bỏ dễ dàng,” Borje Ekholm CEO của Ericsson, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. "Chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng chúng tôi có thể gia tăng giá trị cho Trung Quốc". 

Ericsson đã vận động chính phủ Thụy Điển ủng hộ Huawei, cảnh báo về khả năng bị Trung Quốc trả đũa, nhưng lệnh cấm đã được thông qua và được giữ nguyên tại tòa án.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng Ericsson, có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, có thể mất phần lớn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc khi các hợp đồng rơi vào tay đối thủ Bắc Âu của họ là Nokia.

Trong khi Nokia của Phần Lan, không nhận được bất kỳ hợp đồng phát thanh nào ở Trung Quốc vào năm ngoái, đã về nhất trong vòng thứ hai, Ericsson chỉ có thể giữ được một chút lợi thế cho đến nay.

“Nếu chúng tôi thua hoàn toàn thì điều đó sẽ khiến chúng tôi gặp bất lợi trong cạnh tranh từ góc độ công nghệ", Ekholm cho biết.

Trung Quốc đã đi đầu trong việc triển khai mạng 5G và chiếm hơn một nửa số thiết bị được sử dụng trên toàn cầu cho mạng thế hệ tiếp theo, khiến nước này trở thành thị trường quan trọng đối với bất kỳ nhà sản xuất thiết bị viễn thông nào.

Minh Đức (Theo Reuters)