Chính sách

Ép vợ cố sinh thêm con, chồng có thể bị phạt nặng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 đến 24 tháng đối với: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III; giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; giấy phép kinh doanh rượu, bia; giấy phép hoạt động Ngân hàng mô; chứng chỉ hành nghề dược; chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng.

- Trục xuất.

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Xúc phạm người sinh toàn con gái có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Hiện nay, khoản 1 Điều 85 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con gái.

Tuy nhiên, từ 15/11 khi nghị định 117/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, sẽ tăng mức phạt so quy định hiện nay. Cụ thể, người có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con gái là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, cũng tại điều 101 nghị định này, đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải mang thai; phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái thì bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng khi có hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai; phải sinh thêm khi họ đã sinh toàn con trai hoặc toàn con gái.

Ngoài ra, nhằm thực hiện tốt công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong việc đảm bảo cân bằng về giới, Nghị định 117 cũng quy định phạt tiền với hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính.

Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

H.M