Sự kiện

Ép uống rượu, bia: Một loại "văn hoá" rất thiếu văn hoá

Thực trạng lạm dụng và ép nhau uống rượu bia đã và đang gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình, xã hội và chính bản thân người uống...

Không rõ từ bao giờ, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, ngày hội, đám lễ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong văn hóa ẩm thực, rượu cũng là thức uống tinh tế đầy mỹ vị. Có thể nói, rượu vốn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng rượu và các chất có cồn khác đang khiến nét đẹp này trở nên biến tướng gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình, xã hội và chính bản thân người uống.

Minh chứng là hàng loạt những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng mà nguyên nhân chính là do lái xe sử dụng bia, rượu quá liều dẫn đến không kiểm soát được bản thân và mới đây nhất là vụ tài xế say rượu lái xe Mercedes đâm chết 2 người ở hầm Kim Liên rồi bỏ chạy.

"Văn hóa" ép rượu từng bén rễ từ một văn hóa đẹp.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển để lắng nghe những chia sẻ, phân tích của ông về vấn đề trên.

Thưa PGS - TS Lê Quý Đức, rượu bia đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, ngày hội, đám lễ ở Việt Nam. Vậy theo ông, việc uống rượu trong văn hóa Việt Nam có phải là một nét đẹp về ẩm thực?

Theo tôi, việc uống rượu trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay luôn là một nét đẹp về ẩm thực. Bản thân rượu bia không có tội, thậm chí rượu bia còn được rất nhiều quốc gia đề cao vì những tác dụng mà thứ thức uống này mang lại. Chẳng những thế mà nhiều nơi đã tôn thờ cả thần rượu.

Ở nước ta, ngoài rượu trắng có độ cồn cao, tức rượu mạnh thì miền Bắc nổi tiếng với rượu làng Vân; miền Trung có rượu Bầu Đá, miền Nam có rượu Gò Đen, Việt Nam còn có nhiều loại rượu khác như rượu Cần của các dân tộc Mường, Tây Nguyên; rượu cái, rượu nếp cẩm – bách nhật, đặc biệt là rượu Phú Lễ Ba Tri với loại men hơn 30 thành phần thảo dược; còn có rượu ngâm thuốc bổ nổi tiếng như rượu Minh Mạng.

Văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, đặc biệt như đám hỏi, tiệc tùng, rượu được xem như một thức uống quan trọng góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp con người xích lại gần nhau hơn.

Rượu như thế không những là nét đẹp văn hóa mà còn là loại hình kinh tế dịch vụ cũng quan trọng trong xã hội, nếu biết khai thác và biết sử dụng.

PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển nhận định tình trạng lạm dụng rượu và các chất có cồn khác đang khiến nét đẹp của văn hóa uống rượu trở nên biến tướng gây ra những hệ lụy xấu, nghiêm trọng tới gia đình, xã hội.

Ông có ý kiến gì khi người Việt hiện tại đang quá lạm dụng rượu bia trong cuộc sống thường ngày?

Dù là nét đẹp văn hóa, nhưng uống thế nào lại là câu chuyện khác. Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu bia. Điều này khiến văn hóa rượu bia trở nên lệch lạc. Những người đã uống rượu bia, không thấy mình đủ năng lực nhưng vẫn tham gia giao thông, vẫn lái xe lại là câu chuyện ý thức, vi phạm luật giao thông và coi thường mạng sống của những người khác. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, hành vi thiếu chuẩn mực đó là những người thiếu văn hóa, một kiểu văn hóa như một tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án.

Văn hóa bia, rượu của người Việt ngày càng có nhiều thay đổi, mọi người đang dần hướng đến văn hóa uống rượu bia có trách nhiệm. Đây là mong muốn của gia đình, xã hội, cũng như bản thân của người uống. Vì thực tế đã cho thấy, việc uống quá nhiều bia rượu gây ra rất nhiều tác hại cho sức khỏe, thêm vào đó là gây ra những tai nạn, hành động mất kiểm soát không mong muốn cho bản thân và xã hội.

Bản thân những người ép bia, rượu trước tiên thể hiện mình là người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa đồng thời không tôn trọng người bị ép bởi không phải ai cũng thích uống rượu và có khả năng uống rượu. Có người vì bệnh tật như nóng trong người, dạ dày… không muốn uống rượu hoặc đã từng uống muốn “gác chén”, có người cơ địa không thích ứng với rượu và cũng có người đơn giản chỉ vì “không thích” uống rượu nên đã từ chối. Từ chối gì có thể không khó khăn nhưng từ chối rượu trong bữa cơm, mâm cỗ vô cùng khó khăn, khó xử và thậm chí dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Còn đối với những người bị ép mà vẫn uống chứng tỏ người đó cũng không làm chủ được bản thân, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội và đặc biệt là thiếu tôn trọng chính mình.

Theo ông, lp tr phi làm gì để thay đổi được thc trng lm dng rượu bia như hin nay?

Theo tôi, cần có sự giáo dục từ trong gia đình cũng như ở học đường dành cho lớp trẻ hình thành nên tư tưởng không tùy tiện, nhất là vùng nông thôn miền núi họ cứ gặp nhau là uống thì mình cần giáo dục cho thế hệ trẻ từ ban đầu.

Ngoài ra, xã hội cũng phải quan tâm đến văn hóa ăn uống, đặc biệt, ở những nơi như công sở thì thủ trưởng phải làm gương cho các nhân viên, mọi người cùng xây dựng một xã hội văn minh hiện đại và giữ bản sắc, hồn dân tộc. Hiện pháp luật cũng đã vào cuộc rất nhiều trong công cuộc chống lại nạn lạm dụng bia rượu, bằng cách như đo nồng độ cồn của các tài xế lái xe; hay mới đây là Dự thảo luật phòng chống tác hại của bia rượu chẳng hạn. Đồng thời có hình thức xử lý nghiêm với những trường hợp kinh doanh rượu giả, rượu độc

Hiện tại, liên quan đến hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xét trên phương diện luật pháp, các quy định đã khá đầy đủ, khung hình phạt gần đây cũng tăng rất nặng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân còn coi nhẹ luật. Lý do là việc xử phạt chưa đồng bộ, còn tâm lý nể nang.

Do đó, hơn lúc nào hết, việc xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn cần được siết chặt, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của luật pháp. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn những vụ TNGT thảm khốc do “ma men” gây ra.

Nguyễn Lâm