Bình tĩnh sống

“Em dương tính rồi Linh”

Câu thông báo vỏn vẹn vài từ của đồng nghiệp qua điện thoại không hề khiến bác sĩ Linh cảm thấy lo lắng, chị càng cảm nhận rõ hơn điều mà F0 phải đối diện.

Khi bác sĩ là F0

Ths.BS. Đào Nguyễn Phương Linh công tác tại khoa Sơ sinh, bệnh viện đại học Y Dược Tp.HCM vẫn thường hay được mọi người đặt biệt danh “Bác sĩ em bé”. Hiện đã quay trở lại khoa công tác nhưng những câu chuyện, kỷ niệm tại nơi tuyến đầu chống dịch với bác sĩ Linh đó sẽ là những ký ức không thể nào quên. 

Mới đây, bác sĩ Linh đã dành thời gian chia sẻ với Người Đưa Tin về những ngày mình là F0, được cùng các đồng đội “chiến đấu” tại bệnh viện dã chiến thu dung số 2.

Bác sĩ Linh chia sẻ, ngày 9/7 đoàn bệnh viện đại học Y Dược Tp.HCM được điều động lên đường chi viện nhiều nơi. Trong đó, tại bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (phường Tân Thới Nhất, quận 12) chỉ có Linh là bác sĩ nữ duy nhất.

Bác sĩ Linh thực hiện nhiệm vụ mình được phân công.

Khi vào bệnh viện Dã chiến làm nhiệm vụ, các đồng nghiệp của bác sĩ Linh bị dương tính khá nhiều. “Cứ 3 ngày là nhân viên y tế phải test một lần và luôn có những ca mắc mới là nhân viên y tế”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Là bác sĩ nhi khoa, nên lúc nào bác sĩ Linh cũng ưu tiên đón, sắp xếp theo dõi điều trị cho các bệnh nhi trước nhất, tại bệnh viện thu dung số 2 cũng vậy. Thời điểm biết mình mắc Covid-19 bác sĩ Linh đang tiếp nhận một bệnh nhi để “đoàn tụ gia đình” (Đưa các em bé F0 về ở gần với ba mẹ cũng là F0- PV). Lúc này, bác sĩ Linh nhận được điện thoại của một người anh đồng nghiệp đáng kính trong đoàn. Theo lời nữ bác sĩ, tuy anh đã dạn dày kinh nghiệm đối mặt với dịch bệnh nhưng khi thông báo chị dương tính qua điện thoại, anh chỉ vỏn vẹn nói một câu và sau đó rất ngậm ngùi “Em dương tính rồi Linh”.

Nhớ lại về giây phút nhận tin mình là F0, bác sĩ Linh điềm tĩnh trả lời qua điện thoại: “Không sao đâu anh, em đang tiếp nhận bệnh nhân ạ”.

“Cảm giác lúc đó của tôi là “À! vậy là mình khỏi cần lo bị nhiễm nữa” (cười) vì mình nhiễm rồi. Bình thường khi tiếp nhận và tiếp xúc bệnh nhân thì chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ rất kín để hạn chế lây nhiễm. Khi tôi nhận được tin mình nhiễm thì điều đầu tiên trong đầu tôi nghĩ là không sao cả, bây giờ mình có thể tiếp xúc được với bệnh nhân một cách dễ dàng hơn, nếu cần đặt nội khí quản cho bệnh nhân thì có thể thay đồng nghiệp mình để giảm nguy cơ lây nhiễm (do đây là thủ thuật dễ lây nhiễm nhất-PV). Sau khi giao tận tay bệnh nhi cho ba của bé lên khu cách ly, tôi cũng bắt đầu cởi bỏ bộ đồ bảo hộ để quay trở về khu sinh hoạt chung thu dọn đồ đạc để cách ly”, bác sĩ Linh kể.

Bác sĩ Linh ví von việc thu dọn đồ đạc, hành lý tại khu sinh hoạt chung giống như chị đang đi thi "Next Top Model" phải lầm lũi quay về nhà chung thu dọn hành lý và rời khỏi chỗ.

“Tôi quay lại dọn thì mọi người không ai nói gì cả, các bạn muốn phụ tôi nhưng tôi tránh né vì muốn bảo vệ mọi người khỏi nguy cơ lây nhiễm. Sau đó có đội khử khuẩn vào khử khuẩn khu vực mà tôi đã ở. Dọn đồ xong, tôi sẽ vào khu của F0 – tôi đi một mình trong con đường dành riêng cho F0, lúc đó tôi không cảm thấy sợ nhưng lại thấy cô đơn, tôi hiểu hơn cảm giác của bệnh nhân khi họ bước vào con đường đó. Và khi bước vào con đường đó tôi cũng hiểu được rằng “à mình là người bệnh”, mình sắp sửa phải đối mặt với điều gì, bởi bản thân tôi là bác sĩ điều trị nên tôi hình dung được triệu chứng của bệnh sẽ như thế nào”, bác sĩ Linh nói.

Không cho phép ngơi nghỉ bất kể ngày đêm

Trong 11 ngày cách ly, bác sĩ Linh nghĩ chắc thời gian sẽ trôi qua lâu lắm, nhưng không ngờ lại trôi tuột rất nhanh. Bởi lẽ, dù là F0 nhưng chị Linh không cho phép mình ngơi nghỉ, vẫn cùng đồng nghiệp làm việc cả ngày lẫn đêm.

“Đợt công tác của đoàn chúng tôi sẽ là 30 ngày, sau đó sẽ cách ly dưỡng thương và trở về công tác tiếp. Các đồng nghiệp dương tính trước đó đều ngưng hẳn công việc và đi cách ly ở một nơi khác. Nhưng, tại thời điểm tôi là F0 thì công việc cũng đã vào guồng, thay vì đi cách ly ở nơi khác thì tôi tiếp tục ở lại bệnh viện dã chiến thu dung số 2 để tiếp tục cùng đồng đội tiếp tục công tác cho đến hết đợt. Điều này đồng nghĩa với việc là mình sẽ hỗ trợ đồng nghiệp từ xa, làm thủ tục cho bệnh nhân xuất viện và tư vấn khi F0 trở về cách ly tại nhà”, bác sĩ Linh nói.

Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, bác sĩ Linh ước rằng thời điểm đó một ngày có 48 giờ đồng hồ để chị có thể giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn. Bởi lẽ, quãng thời gian dương tính là khi dịch ở Tp.HCM vẫn rất căng thẳng. Dù đang ở trong khu cách ly thì bệnh nhân vẫn gọi cho chị, cả bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến, người quen và người biết đến số điện thoại của chị xin được giúp đỡ, tư vấn cấp cứu, nhận bệnh, chuyển viện. “Tôi đã làm việc liên tục, khi bệnh nhân gọi đến thì tìm mọi cách để giúp đỡ họ, chứ không thể nào bỏ rơi bệnh nhân được”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Bất cứ bệnh nhân nào cần gọi đến mình, bác sĩ Linh đều tìm mọi cách giúp đỡ.

Liên tục nhận được cuộc gọi xin tư vấn kể cả khi là F0, nên những câu nói của bệnh nhân qua điện thoại dù không biết là ai nhưng đến nay bác sĩ Linh vẫn nhớ và ám ảnh. “Câu mà tôi thường nghe khi bắt máy đó là “Bác ơi cứu em”, chỉ nghe đến đây là tôi đau lòng. Rồi tôi cũng tìm mọi cách để cứu giúp bệnh nhân”, bác sĩ Linh nói thêm.

Trong khoảng thời gian điều trị 11 ngày đó, bác sĩ Linh vừa điều trị và vừa làm việc sốt rất nhiều và ho cảm giác rất khó chịu, chưa kể phải đeo thêm khẩu trang. Nhưng là bác sĩ điều trị nên chị biết lúc nào thì dùng thuốc hạ sốt, khi ho thì chị dùng siro ho…

“Trong quá trình cách ly 11 ngày, tôi chỉ ngừng làm việc đúng 1 hôm ở đỉnh điểm của trận bệnh, tôi sốt và mệt nhiều. Tôi có nhờ một bạn đồng nghiệp hỗ trợ thay công việc của tôi đang làm một ngày”, bác sĩ Linh nói.

Ở ngoài cánh cửa cách ly, đồng nghiệp rất thương và lo lắng cho chị, thậm chí đồng nghiệp ưu ái bảo dùng oxy. Mặc dù vậy, bản thân là bác sĩ nên chị Linh tự biết theo dõi triệu chứng của mình, làm những việc cần thiết, chị tự theo dõi điều trị, tự chụp X-quang, tự đọc phim X-quang và thấy rằng không cần phải thêm thuốc hay thở oxy nên chị từ chối yêu cầu của đồng nghiệp.

“Tôi nói không sao đâu, chỉ cần nằm sấp, tập thở, uống nhiều nước thì sẽ không sao. Nhiều bệnh nhân F0 khác họ cũng bị hoảng loạn, mất ngủ… nên tôi cho rằng điều quan trọng đó là phải biết theo dõi dấu hiệu nặng, không cho phép mình ở không, rồi không nghĩ linh tinh về bệnh. Nếu cứ tập trung vào việc mình bị ốm thì sẽ khó vượt qua được, nên phải hiểu về bệnh và sau đó điều trị triệu chứng sốt thì uống hạ sốt, ho uống thuốc ho, uống thật nhiều nước, phải theo dõi triệu chứng nặng, tự trấn an bản thân và vượt qua”, bác sĩ Linh nói về quãng thời gian bản thân đã vượt qua Covid.

Bên cạnh đó, ngoài thời gian làm việc để tránh nhàm chán và chia sẻ kiến thức thực chiến điều trị F0 của mình đến cộng đồng, nữ bác sĩ đã quay những video, clip đăng tải trên tiktok, facebook, youtube hướng dẫn F0 theo dõi tại nhà ra sao, những việc F0 cần lưu ý…. có những video nhận được hàng triệu lượt xem, chia sẻ và phản hồi rất tốt, bác sĩ Linh thấy vui vì điều đó.

Về phía gia đình, bác sĩ Linh không hề thông tin mình bị F0 vì sợ rằng người nhà không hiểu bệnh sẽ lo lắng thêm, chỉ mới đây chị chia sẻ trên truyền thông, mạng xã hội thì gia đình mới biết và vẫn luôn âm thầm ủng hộ công tác của chị.

Hiện, dù đã kết thúc chuyến điều động, nhưng chị Linh và mọi người trong đoàn không thôi nhiệm vụ, mà tiếp tục thực hiện tư vấn từ xa. Trong tâm trí của nữ “bác sĩ em bé” này vẫn luôn sẵn sàng lên đường khi tổ chức cần.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Linh dành lời động viên cho các F0 đang điều trị: “Với những bệnh nhân F0 hãy luôn giữ cho mình một tinh thần vững chắc, hiểu về bệnh và việc kết nối với nhân viên y tế là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong trường hợp cấp bách. F0 cần tỉnh táo và cần sự hỗ trợ của người thân, tuyệt đối không để họ đơn độc một mình thì mới chiến thắng được con virus này”.