Công nghệ

Elon Musk mua lại Twitter: Lo ngại về phát ngôn thù hận trên mạng xã hội

Việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD đã gây phản ứng từ các tổ chức nhân quyền, kèm theo phỏng đoán về nguy cơ với mô hình kinh doanh của Twitter.

Phản ứng đối với sự kiện tỷ phú Elon Musk mua lại tập đoàn mạng xã hội Twitter, một số tổ chức và cá nhân hoạt động về nhân quyền đã bày tỏ sự lo ngại về việc ông Musk có thể thay đổi chính sách kiểm soát nội dung trên Twitter dựa trên tư tưởng “tự do ngôn luận tuyệt đối” của ông. 

Bà Deborah Brown, một nhà nghiên cứu quyền kỹ thuật số tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết dù ai sở hữu Twitter đi nữa, tập đoàn này vẫn có trách nhiệm tôn trọng quyền của mọi người tham gia và phụ thuộc vào nền tảng của mình. 

Theo bà Brown, thay đổi nhỏ hay lớn về chính sách, tính năng và thuật toán của Twitter có thể gây ra hậu quả lớn ngoài dự kiến, thậm chí có thể dẫn đến hành vi bạo lực ngoài đời thực. Bà Brown cho rằng tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối, và do đó Twitter cần đầu tư thêm vào công tác bảo vệ những người dùng dễ bị tổn thương nhất. 

Ông Anthony Romero từ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng tuy ông Elon Musk là một trong những người ủng hộ quan trọng nhất của ACLU, vẫn còn rất nhiều nguy cơ đến từ việc tập trung quyền lực trên mạng xã hội vào tay một cá nhân. 

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết tổ chức này lo ngại về khả năng Twitter giảm thực thi chính sách và cơ chế kiểm soát phát ngôn thù hận trên mạng xã hội của mình. Ông Michael Kleinman, giám đốc Sáng kiến Thung lũng Silicon tại Tổ chức Ân xá Quốc tế (chi nhánh Mỹ), cho biết: “Điều cuối cùng chúng ta cần là việc Twitter cố tình lờ đi phát ngôn bạo lực và ngược đãi đối với người dùng, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương nhất”.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không quay lại Twitter ngay cả khi nền tảng này mở khóa tài khoản của ông, sau khi khóa vĩnh viễn tài khoản vào ngày 8/1/2021. 

Ông Trump nói: “Tôi cảm thấy thất vọng vì cách Twitter đối xử với mình. Tôi sẽ không quay trở lại Twitter.” Đồng thời, ông Trump cũng nói rằng ông sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội riêng là Truth Social. 

Về phía cạnh kinh doanh, nếu Twitter thực sự nới lỏng chính sách kiểm soát nội dung như nhiều người phỏng đoán và khiến phát ngôn thù hận tăng cao, nền tảng này có thể trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các công ty đăng quảng cáo - vốn đóng góp đến 89% doanh thu của Twitter trong năm 2021.

Ở thời điểm hiện tại, các công ty quảng cáo tương đối “dị ứng” với việc quảng cáo của mình xuất hiện bên cạnh nội dung hoặc phát ngôn thù hận trên mạng xã hội. Năm 2017, nhiều thương hiệu châu Âu cho biết sẽ rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh video khủng bố và có nội dung bài Do Thái. Google đã nhanh chóng phản ứng với việc này và liên tục đứng về phía công ty quảng cáo trong những vụ việc tương tự xảy ra sau đó. 

Nhiều tập đoàn và thương hiệu lớn như Verizon, Boeing, Microsoft, Reebok, Patagonia, Hershey’s, Eddie Bauer, Adidas, Levi Strauss, Pfizer, HP, Best Buy, Denny’s và Unilever cũng từng đồng loạt rút quảng cáo trên Facebook và Instagram nhằm gây sức ép tăng cường kiểm soát nội dung độc hại. 

Tùng Phong (Theo Reuters/TechCrunch/CNBC)