Thế giới

ECB “đau đầu” vì lạm phát ở khu vực đồng Euro

Lạm phát khu vực đồng Euro tăng lên mức kỷ lục mới trong 9, củng cố kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất lớn khác từ ngân hàng trung ương châu Âu vào tháng 10.

Lạm phát tại 19 quốc gia khu vực đồng Euro đã tăng lên 10% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất mọi thời đại ở khu vực này, theo dữ liệu Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 30/9.

Báo cáo của Eurostat cho thấy một bước nhảy vọt so với tháng trước khi lạm phát ở mức 9,1% và lần đầu tiên nó chạm mức hai con số. Chỉ số mới cao hơn mức 9,7% mà các nhà phân tích kỳ vọng, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp lạm phát đã vượt quá ước tính.

Lạm phát cơ bản, không ảnh hưởng đến chi phí thực phẩm và năng lượng biến động, cũng ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại mới là 4,8%.

Tỉ lệ lạm phát lõi, không bao gồm giá của những sản phẩm thường xuyên biến động như thực phẩm và nhiên liệu, cũng tăng lên mức cao mới, từ 5,5% lên 6,1%. Nếu không tính cả rượu và thuốc lá, tỉ lệ này cũng tăng từ 4,3% lên 4,8%.

Trong khu vực đồng Euro, lạm phát cao nhất ở Estonia - 24,2% và thấp nhất ở Pháp - 6,2%, nhờ vào các khoản trợ cấp lớn cho các hóa đơn năng lượng. Lạm phát ở Đức lên tới 10,9%, mức cao nhất trong 70 năm qua.

Tại Hà Lan, lạm phát đã tăng 17,1%, cao nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, một bước nhảy vọt lớn so với mức 12% một tháng trước đó.

Một nhân viên làm việc tại Công ty thực phẩm ALDI Nord ở Essen, Đức. Ảnh: Al Jazeera

Các yếu tố thúc đẩy lạm phát

Lạm phát vẫn được thúc đẩy chủ yếu bởi giá cả của mọi thứ, từ khí đốt, điện đến nhiên liệu và thực phẩm đều leo thang sau đại dịch và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Hầu hết các ngành hàng, từ dịch vụ đến hàng công nghiệp, hiện đang có chỉ số lam phát cao một cách đáng kinh ngạc.

Giá năng lượng tăng 41% và giá thực phẩm chưa qua chế biến tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đợt hạn hán kéo dài trong mùa hè đã gây áp lực lên giá lương thực. Trong khi đó, lạm phát nhập khẩu ngày càng  gia tăng vì đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ so với đồng USD, mà hóa đơn năng lượng của khối chủ yếu được tính bằng USD.

Theo các nhà hoạch định chính sách, tình hình sẽ còn khó khăn hơn trong vài tháng tới vì nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu vẫn ở mức thấp kể từ sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong khi Nga tiếp tục thắt chặt nguồn cung sang châu Âu khi mùa đông đang đến gần. Do đó, giá tiêu dùng có khả năng tăng cao hơn nữa ở một số quốc gia, nơi gần như không thể tránh khỏi suy thoái.

Trước tình hình đó, một số quốc gia khu vực đồng Euro đang thúc đẩy thông qua chi tiêu quốc gia lớn để giảm bớt gánh nặng giá năng lượng cho người tiêu dùng. Các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu hôm 30/9 đã đồng ý cắt giảm mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và áp đặt các khoản thuế đối với các công ty điện gió.

Áp lực lên ECB

Giá tiêu dùng tăng cao tiếp tục gia tăng áp lực lên ECB, buộc ngân hàng này phải tiếp tục đưa ra các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.

Các thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ tăng lãi suất cơ bản lên 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp trong họp chính sách tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 27/10.

“Chúng tôi sẽ làm những gì phải làm” để giải quyết lạm phát, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng ECB. Ảnh: Khaleej Times

ECB đang tuyệt vọng ngăn chặn lạm phát bám rễ vào nền kinh tế và đang thực hiện các biện pháp làm giảm nhu cầu với hi vọng có thể làm chậm tăng trưởng.

ECB cho rằng việc tăng lãi suất cũng là cần thiết để đặt chính sách tiền tệ ở vị trí “trung lập” hơn sau nhiều năm lãi suất âm và các chương trình kích thích đã bơm hàng chục tỷ Euro vào nền kinh tế khu vực đồng Euro.

Mục tiêu lạm phát của ECB là 2% và nỗ lực đưa lạm phát về gần con số này làm dấy lên lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể dẫn khối này vào một cuộc suy thoái.

Lãi suất huy động 0,75% dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2% vào cuối năm, sau đó lên khoảng 3% vào mùa xuân năm sau trước khi chững lại.

Nguyễn Tuyết (Theo ESM Magazine, 24/7 Wall St., Gulf Today)