Xu hướng thị trường

E ngại dự án Cát Linh – Hà Đông "thu không đủ chi": Đã có ngân sách lo

Lãnh đạo công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, về việc trả nợ cho dự án Cát Linh – Hà Đông, TP.Hà Nội sẽ bố trí ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện chi trả khoản nợ.

Như đã thông tin, thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm tại buýt nhanh BRT vào đúng thời điểm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang chạy thử, chuẩn bị khai thác thương mại khiến cho nhiều người lo ngại, tuyến đường sắt trên cao có thể đi theo “vết xe đổ” của buýt nhanh BRT, được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng không đem lại hiệu quả.

Khoản tiền trả nợ đầu tư dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ được lấy từ ngân sách của TP.Hà Nội. (Ảnh: Thành Long)

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc ban quản lý dự án Đường sắt, bộ GTVT (đơn vị quản lý dự án Cát Linh – Hà Đông) cho biết: “Giá vé đi tàu Cát Linh – Hà Đông đã được công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trình lên UBND TP.Hà Nội về phương án thu vé. Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý về xây dựng hạ tầng, tiến độ dự án, còn việc thu hồi vốn chúng tôi không quản lý”.

Để làm rõ những nghi ngại của dư luận, sáng 16/10, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, dự án Cát Linh – Hà Đông đã được phê duyệt, trong dự án đều đã có phần đánh giá hiệu quả, dự kiến hành khách sử dụng, số lượt người đi bao nhiêu lên xuống từ các ga.

Trong đó, ưu tiên phương án 2 với bình quân hành khách đi khoảng 5-6 km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 37% còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn… Giá vé đơn vị đề xuất không phải để cạnh tranh với các loại hình công cộng khác mà nhằm mục đích thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tàu Cát Linh - Hà Đông được vận hành chạy thử trên toàn tuyến trong tháng 9 vừa qua. (Ảnh: Thành Long)

Trước lo ngại, với mức giá vé 10.000 đồng/lượt đi tàu sẽ không đảm bảo phương án tài chính của dự án, ông Trường khẳng định: “Đối với vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều được Nhà nước trợ giá. Cụ thể với dự án này, UBND TP.Hà Nội sẽ trợ giá, và đã được đưa vào nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội và trong luật Đường sắt cũng đã quy định”.

“Việc trả lãi và gốc vốn vay từ ngân hàng Trung Quốc đã có trong hiệp định vay vốn giữa hai bên, khi nào dự án hoàn thành đi vào khai thác sẽ được bàn giao lại cho TP.Hà Nội. Việc trả nợ đã có kế hoạch chi tiết, TP sẽ bố trí ngân sách, nguồn vốn ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện chi trả khoản nợ”, ông Trường cho hay.

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, Hà Nội đã đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị trong khoảng cách 100-500m dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Bên cạnh đó, cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt, hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ… Đặc biệt, bố trí 8 bãi gửi xe cho các phương tiện cá nhân của hành khách đi tàu dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính & đầu tư phân tích: “Tôi đang lo ngại nhất là số tiền thu được từ tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ không đủ để đáp ứng được chi phí vận hành chứ chưa nói đến trả lãi vốn vay từ ngân hàng Trung Quốc. Đối với số vốn vay quá lớn như vậy thì việc trả nợ là mênh mông lắm”.

Dự kiến, trung bình một năm, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, TS. Hiển cho rằng: “Chưa tính đến trả nợ, mà chỉ tính đến việc trang trải chi phí công nhân viên hơn 500 người, tiền điện nước,... thì có thể sẽ phải bù lỗ thêm”.

Hiện nay, giá xe buýt ở Hà Nội hay TP.HCM người ta tính giá cạnh tranh mà mỗi năm vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ cho chi phí vận hành xe buýt. Mặc dù, nguồn thu từ các tuyến xe buýt là rất lớn vì hành khách đông mà vẫn phải bù lỗ thì khả năng dự án Cát Linh – Hà Đông phải bù lỗ là rất lớn. Để trông chờ vào 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông là chưa đủ, phải có hàng chục tuyến đường sắt tương tự tạo nên sự kết nối giữa các tuyến thì mới đem lại hiệu quả.”, TS. Hiển nhận định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Số liệu của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn. Đáng chú ý, trong đó có TP. Hà Nội ước hụt thu 2 năm liên tiếp, năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quản lý thu NSNN, nhất là các địa phương dự kiến hụt thu đồng thời thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị tăng thu NSNN.