Thế giới

Đường vào châu Âu của du khách Nga: Nhân quyền hay đặc quyền?

Đức đã bác bỏ lời kêu gọi EU ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga, nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không được gây hại cho những người vô tội.

Đức hôm 11/8 đã lên tiếng bác bỏ đề xuất liên quan đến việc cấm toàn bộ công dân Nga đi du lịch đến các nước EU.

“Cuộc chiến này là cuộc chiến của ông Putin”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin hôm 11/8, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp trừng phạt của EU nên nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng ta đã áp dụng các biện pháp trừng phạt cụ thể, có phản ứng sâu rộng đối với nhiều quan chức Nga, các nhà tài phiệt và các nhóm quyền lực ở Nga và chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo”, ông Scholz nói.

“Nhưng nếu bây giờ chúng ta mở rộng đối tượng tới tất cả, bao gồm cả những người hoàn toàn vô tội, thì nó sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp trừng phạt này”, Thủ tướng Đức bổ sung.

Quyết định là ở các nước thành viên

Các quốc gia EU có toàn quyền quyết định về đơn xin thị thực và có từ chối cấp thị thực cho công dân Nga hay không, một quan chức EU cho biết hôm 11/8 khi phản hồi lời kêu gọi gần đây từ Estonia, Latvia và Phần Lan về việc cấm tất cả người Nga nhập cảnh vào lãnh thổ của khối.

“Các quốc gia thành viên (EU) hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá đơn xin thị thực trên cơ sở cá nhân và cả việc cấp thị thực”, bà Anitta Hipper, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề nội vụ, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày của cơ quan này.

Bình luận của bà Hipper được đưa ra sau khi Estonia, Latvia và Phần Lan đề xuất đình chỉ cấp thị thực Schengen trên toàn EU cho công dân Nga.

Các ngoại trưởng EU ngày 31/8/2022 sẽ thảo luận về lệnh cấm du khách Nga đi du lịch vào khối này. Ảnh: Shutterstock

Nhà ngoại giao hàng đầu của Estonia Urmas Reinsalu cho biết hôm 11/8 rằng, ông sẽ sớm trình bày một đề xuất chính thức mà các Ngoại trưởng EU có thể thảo luận tại cuộc họp không chính thức của họ ở Prague, Cộng hòa Séc vào ngày 31/8.

Bà Hipper thừa nhận rằng theo hướng dẫn thị thực của Ủy ban Châu Âu (EC), các quốc gia thành viên có thể từ chối đơn xin thị thực “với lý do là các mối đe dọa đối với chính sách công hoặc an ninh nội bộ” sau khi xem xét từng trường hợp.

Đồng thời, bà từ chối chia sẻ quan điểm của EC về đề xuất của các nước Baltic và Bắc Âu, nhấn mạnh rằng điều đố thuộc thẩm quyền cơ quan chuyên trách của các quốc gia thành viên, chứ không phải của cơ quan hành pháp EU.

Các quốc gia thành viên EU có thể điều phối các quyết định của họ về việc cho phép ai vào lãnh thổ của mình, như đã xảy ra trong đại dịch Covid-19 khi EU cấm đi lại không thiết yếu từ bên ngoài khối.

Từ tháng 2, EU đã đình chỉ một phần thỏa thuận thuận lợi hóa thị thực với Nga, chủ yếu nhắm vào các quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao và doanh nhân.

Hồi tháng 5, EC đã ban hành hướng dẫn pháp lý không ràng buộc về quy trình cấp thị thực cho công dân Nga sau khi EU trừng phạt Nga, cấm nhập cảnh đối với các chính trị gia, quan chức và doanh nhân chịu trách nhiệm về cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

Lời kêu gọi nhắm vào toàn bộ công dân Nga

Đầu tuần này, các nhà lãnh đạo của Estonia và Phần Lan đã kêu gọi các nước đồng minh châu Âu ngừng cấp thị thực du lịch cho người Nga. Cả 2 quốc gia, có chung đường biên giới trên bộ với Nga, đang được sử dụng như một tuyến đường cho khách du lịch Nga "né" lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không của EU.

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, đăng trên Twitter rằng “đến thăm châu Âu là một đặc quyền, không phải là nhân quyền” và “đã đến lúc chấm dứt hoạt động du lịch từ Nga ngay bây giờ”.

Còn Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, nói với đài truyền hình Phần Lan YLE rằng “sẽ là rất không ổn khi quân đội Nga đang tiến hành một cuộc chiến tàn bạo, khốc liệt ở châu Âu, người Nga lại có thể sống một cuộc sống bình thường, đi du lịch ở châu Âu, là khách du lịch”.

Tàu Allegro chở khách từ St. Petersburg (Nga) đến Helsinki (Phần Lan). Ảnh: Ednh.news

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cũng xác nhận rằng Helsinki đang có kế hoạch thắt chặt các quy định về thị thực đối với công dân Nga và sẽ nêu vấn đề này trong cuộc họp Ngoại trưởng EU dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, nói rằng tất cả các nước phương Tây nên cấm du khách Nga.

Người Nga nên "sống trong thế giới của riêng họ cho đến khi họ thay đổi triết lý của mình", nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi trên của Tổng thống Zelenskyy, coi đó là một điều “cực kỳ tiêu cực”, đồng thời nhấn mạnh rằng không có khả năng người Nga bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Minh Đức (Theo Anadolu Agency, DW)