Xi nhan Trái Phải

Dương tính không có nghĩa là nhận án tử

Con người có khối óc, nếu bình tĩnh xử lý thông tin, phân tích kỹ lưỡng thì nên sợ dịch Covid-19 nhưng nó không đến mức cực kỳ nguy hiểm vì thực tế ở Việt Nam dịch không gây ra tử vong hàng loạt.

Con người  có trái tim nên dịch Covid-19 khiến  họ lo sợ cũng dễ hiểu. Họ sợ  họ, sợ người  thân dương tính thì tính mạng không an toàn. Đúng ra lo sợ sẽ tỷ lệ thuận với số ca mắc và số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng thật buồn lại không phải như vậy, ví dụ như tỉnh Thái Bình mới có mấy người dương tính đã vội vã thực hiện giãn cách cả thành phố Thái Binh.

Tương tự là Hải Phòng cấm đoán các xe hàng hóa  của Hải Dương khi tỉnh này bị dịch vào địa phận thành phố họ. Tổn thất kinh tế của Hải Dương đâu chỉ  Hải Dương gánh chịu, nó là tổn thất của xã hội. Con người có khối óc, nếu bình tĩnh xử lý thông tin, phân tích kỹ lưỡng thì nên sợ dịch Covid-19 nhưng nó không đến  mức cực kỳ nguy hiểm vì thực tế ở Việt Nam dịch  không gây ra tử vong hàng loạt.Thế nhưng…

Mấy ngày nay trên mạng xã hội ồn ã việc  26 công dân của tỉnh Thừa Thiên-Huế từ TP.HCM ra không được xuống ga Huế mà phải xuống ga Đông Hà của tỉnh Quảng  Trị. Lý do là tỉnh  này có công văn yêu cầu ngành đường  sắt không cho tầu từ TP. HCM ra Bắc  dừng đỗ  ở ga Huế để chống dịch. Chắc chắn số người  này là lao động  tự do  vì nếu có nghề ổn định họ sẽ chẳng về quê làm chi cho tốn tiền tầu. Nếu không về mà  ở lại khi TP.HCM giãn cách thì cuộc sống của họ ra sao?

Ga Huế tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Báo Giao thông

Đưa câu hỏi này vào đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học chắc chắn sẽ không có thí sinh nào bị điểm kém.  Ngay cả người Việt  Nam sống ở những quốc gia có dịch sao nhà nước vẫn tiếp  nhận? Vì họ cũng máu đỏ da vàng. Và tại sao Quảng Trị thực hiện cách ly 21 ngày với số người này nhưng Thừa Thiên-Huế lại không làm? Đó là sự  vô trách nhiệm ở mức cao nhất với thân phận con người. Ở góc độ khác họ sợ hãi, không phải  sợ  cho người dân  Thừa Thiên-Huế sẽ bị lây nhiễm mà họ sợ trách nhiệm. Cán bộ mà  sợ trách nhiệm thì công chính ở đâu?   

Một câu chuyện khác là tối ngày 8/7, phóng viên Thành Nhân của Tạp chí Đời sống và Pháp luật - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đang họp báo ở Trung tâm báo chí TP.HCM thì bị ngất xỉu. Hai  nhân viên của trung tâm tận tình đưa anh Nhân đi cấp cứu nhưng bị 4 bệnh viện từ chối. Cuối cùng anh Nhân buộc phải sử dụng mối quan hệ quen biết gọi điện cho bác sĩ ở một bệnh viện mới có kết quả, bệnh viện này đưa anh vào phòng cấp cứu. Bất biết 4 bệnh viện kia  từ chối cấp cứu cho anh Nhân với lý do gì chỉ có thể nói rằng  không còn từ nào diễn tả chính xác hơn 2 từ: Tội ác.

Trong tâm lý học có khái niệm lo sợ nhưng điều gì khiến con người sợ nhất? Đó chính là cái chết. Tuy nhiên không  phải ai dương tính với vi rút này cũng đồng nghĩa  với nhận án tử. Chắc chắn là không. Dù rất nhiều người chưa được  tiêm vaccine song  đã có thuốc chữa trị. Bị bệnh thông thường cũng có thể chết huống chi  nhiễm con vi rút quái ác này. Song  ở Việt Nam, số người tử vong vì nhiễm Covd-19 là rất thấp so với tổng số người nhiễm bệnh. Và số tử vong phần lớn là người có bệnh lý nền vì thế có thể lo sợ nhưng đừng hoảng  sợ.

Nếu ai đó lo sợ thì nên ém lại đừng nống nỗi lo thành con vi rút lây lan trong cộng đồng. Và nếu có lo hãy lo cho những nghèo khổ, tứ cố vô thân vì nó là nỗi  lo chính đáng. Đành là  nhà nước có trợ cấp nhưng thực tế ở lần hỗ trợ trước  nhiều người nghèo cũng không được một cắc nào đâu. Mong đây là  cơ hội để mọi người hiện thực hóa tình thương với đồng bào mình.

Nguyễn Ngọc Tiến