Đối thoại

Đường tiếp cận nguồn tài chính cho chống BĐKH như “đĩa mì spaghetti”

Sự tham gia của khu vực tư nhân cho hoạt động về BĐKH rất quan trọng, bởi đáp ứng của ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng hơn 300 tỷ USD.

Thực hiện mục tiêu COP26 với 3 từ khóa quan trọng

Từ góc độ ghi nhận nguồn lực của Bộ KHĐT, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ba từ khóa quan trọng cần được quan tâm hiện nay là: khả năng hấp thụ, tính sẵn sàng và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cụ thể, thứ nhất, cần phải quan tâm đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế, cũng như khả năng huy động nguồn lực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh, bởi có đến hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế chuyển đổi.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KHĐT

Thứ hai, tính sẵn sàng. Khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp sẽ được thể hiện bởi tính sẵn sàng của các doanh nghiệp như thế nào trong công cuộc chuyển dịch này. 

Đặc biệt, là năng lượng hấp thụ về công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô nhân sự thấp. Bởi KHCN quan trọng, nhưng để phát huy và ứng dụng KHCN thì yếu tố con người là tiên quyết.

Thứ ba, sự tham gia của khu vực tư nhân. Bởi theo đánh giá của Bộ, việc chi tiêu cho chống BĐKH, đóng góp vào tăng trưởng xanh bao gồm hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, có thể lên tới hơn 300 tỷ USD, tuy nhiên, đáp ứng của ngân sách Nhà nước, hiện nay chỉ chiếm khoảng 30%. 

Vậy nên, phần còn lại chắc chắn phải có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân cần tích cực hơn nữa trong công cuộc này, đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu chung này.

Thách thức Việt Nam cần trải qua

Rõ ràng, để thực hiện song song, tương trợ lẫn nhau của hai mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo cho môi trường, sinh thái, hướng đến mục tiêu đạt khí phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Bà Trinh chỉ ra một vài thách thức đang đề ra cho Việt Nam, đòi hỏi chúng ta có sự nhìn nhận đúng đắn.

Thách thức đầu tiên, là mục tiêu huy động được 100 tỷ USD/năm (từ nguồn lực công) cam kết từ 2015, chưa có dấu hiệu khẳng định “có thể” được thực hiện vào 2023 hay không. 

Bởi đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, vai trò của các ngân hàng thương mại và hệ thống ngân hàng là khá nặng nề. 

Tuy nhiên, từ góc nhìn của các nước đang phát triển, bà cho rằng Việt Nam cần tăng cường tính sẵn sàng để tiếp cận những nguồn cơ chế tài chính trực tiếp từ công ước khung về BĐKH, tuy vậy, “đây không phải sự ỷ lại", mà là phát huy tối đa những quyền lợi và nguồn lực sẵn có, bà Trinh nhấn mạnh.

Đại diện Bộ KHĐT cho rằng, cần tăng cường tính sẵn sàng để tiếp cận những nguồn cơ chế tài chính trực tiếp từ công ước khung về BĐKH

Tiếp theo, tỉ lệ chi cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu chi cho thích ứng tại các nước đang phát triển rất lớn và rất cấp bách để đảm bảo có thể “tồn tại”;

Hơn nữa, thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển (để không tính trùng dòng về tài chính song phương, dòng về tài chính đa phương, dòng về huy động tài chính (từ khu vực tư nhân, từ thị trường,…).

Hiện nay, những nguồn tài chính mà khu vực tư nhân ở Việt Nam cũng như các quốc gia phát triển có thể tiếp cận trong quá trình thực hiện dự án về năng lượng, hiện nay như một “đĩa mỳ spaghetti (mỳ Ý)” bởi độ phức tạp và rắc rối, bà đưa ra sự so sánh.

Cụ thể, để tiếp cận một dự án cho vay, ít nhất phải trải qua 3 quy trình thủ tục từ Chính phủ, nhà tài trợ, nhà tài trợ song phương, đa phương, nhất là khi tiếp cận các quỹ toàn cầu. 

Từ đó, ông Hà Đăng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng & Tăng trưởng xanh đề xuất bốn nhóm giải pháp trước những thách thức đề ra cho chúng ta trong thực hiện tầm nhìn mục tiêu COP26 năm 2050.

Cần có những chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm - Phát thải KNK trọng điểm để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo.

Không chỉ vậy, các ngành liên quan cần nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn/định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình net-zero của ngành mình.

Ngoài ra, lộ trình net-zero (trung hoà các-bon) cho các ngành cần chỉ rõ những hoạt động nào có thể tự thực hiện, và những hoạt động nào cần có sự hỗ trợ của quốc tế.

Cuối cùng, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đặc biệt là tài chính các-bon có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai lộ trình net-zero.