Kinh tế vĩ mô

Cần hơn 157.500 tỷ để phát triển đường thủy nội địa trong 10 năm tới

Theo Quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần khoảng 157.533 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong giai đoạn 2021 -2030.

Quy hoạch 9 hành lang, 55 tuyến vận tải chính

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Cụ thể, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch xác định cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km;

Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Mục tiêu đến năm 2030, đường thủy nội địa đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn. 

“Quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP. HCM - Cần Thơ - Cà Mau, Tp. HCM - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh – Tp. HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh”, Quy hoạch xác định.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km) gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

54 cụm cảng hàng hóa, 39 cụm cảng hành khách

Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, gồm: miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.

Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách, gồm: Miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.

Mỗi cụm cảng hàng hoá, hành khách gồm các cảng thủy nội địa chính và cảng thủy nội địa vệ tinh. Cỡ tàu quy hoạch cảng thủy nội địa là cỡ tàu đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch tuyến luồng đường thủy, trong quá trình triển khai, tùy theo điều kiện về hạ tầng luồng, thông số phương tiện, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cỡ tàu khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 khu vực được ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. 

Cảng chuyên dùng được quy hoạch phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Về ưu tiên đầu tư trọng điểm, Quy hoạch nêu rõ: “Đầu tư cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính yếu bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ; ưu tiên khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.”

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư các cảng thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Theo Quy hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.908 ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 2.899 ha, khu vực miền Trung khoảng 296 ha, khu vực miền Nam khoảng 2/713 ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 8.765 ha, gồm: khu vực miền Bắc khoảng 4.120 ha, khu vực miền Trung khoảng 405 ha, khu vực miền Nam khoảng 4.240 ha.

Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 -2030 khoảng 157.533 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng).

Quy hoạch cũng xác định các giải pháp để huy động nguồn vốn đầu tư trong đó bao gồm cân đối ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng thuộc các tuyến vấn tải trọng yếu.

Bên cạnh đó đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đặc biệt đối với cảng thủy nội địa.