Sự kiện

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.545km

Bộ GTVT vừa mới chính thức công bố báo cáo về việc nghiên cứu đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 58,71 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất là 7.875ha.

Theo Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (nối Hà Nội với TP.HCM) sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2019. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính là 58,71 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất là 7.875ha. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án sẽ chuyển sang bước nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ 2020 đến 2025.

Sau đó, đến năm 2032 sẽ đưa vào khai thác đoạn ưu tiên và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP (vốn nhà nước 80% để đầu tư hạ tầng, vốn nhà đầu tư 20% để mua sắm đoàn tàu).

Trong đó, Nhà nước sẽ cần huy động hàng năm 0,35 - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là hình thức đầu tư hợp lý, bởi không thể kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng đường sắt.

Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông báo cáo về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Thế Anh).

Đánh giá về dự án, Thứ trưởng Đông cho rằng: “Theo tính toán thì nhà đầu tư không thể thu hồi được vốn do khấu hao quá lớn, do vậy sẽ cần phải có sự can thiệp của nhà nước”.

“Dự án đường sắt cao tốc của các nước trên thế giới cũng chủ yếu là đầu tư công như Trung Quốc, Pháp... hoặc công - tư như Đài Loan. Riêng trường hợp của Nhật Bản xuất phát là đầu tư công sau đó nhượng quyền", ông Đông phân tích.

Về phương án bảo dưỡng, duy trì hoạt đông, Thứ trưởng Đông cho biết: “Sau khi tiến hành rà soát hướng tuyến, vị trí ga, depot, trạm bảo dưỡng và làm việc với 20 tỉnh, thành phố có dự án đi qua, nhóm nghiên cứu đã đề xuất tổng chiều dài tuyến đường khoảng 1.545km (trong đó cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%)”.

Được biết, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có điểm xuất phát của tuyến đường sắt là ga Hà Nội. Tàu tốc độ cao sẽ đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1. Khi tuyến ĐSĐT số 1 quá tải, không đủ năng lực khai thác thì tàu tốc độ cao sẽ dừng tại Ngọc Hồi. Điểm cuối của đường sắt tốc độ cao là ga Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) được kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.

Đây sẽ là công trình đường sắt Bắc - Nam đầu tiên có 2 làn, khổ ray 1.435mm. Tàu chạy bằng điện, sử dụng công nghệ động lực đoàn tàu phân tán (EMU). Hệ thống điều khiển sử dụng công nghệ tín hiệu sóng vô tuyến. Tuyến đường sẽ có 24 ga chính và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 khu depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Dự kiến đến năm 2032, sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,97 tỷ USD) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,37 tỷ USD).

Đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang dài khoảng 901km) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2050. Dự kiến sau khi toàn tuyến hoàn thành, cần có 14.000 người để vận hành, khai thác, bảo dưỡng.

Nhóm nghiên cứu xem xét thành lập Viện đường sắt (trên cơ sở các Viện, cơ sở đào tạo hiện có hoặc thành lập mới) để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt hiện có.

Thế Anh