Hồ sơ điều tra

Đường sắt nghìn tỷ Cát Linh – Hà Nội: Chưa tìm được tiếng nói chung

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 7750/BGTVT-CQLXD về việc thống nhất áp dụng định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Trong quá trình thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước tại thông báo số 869/TB-KTNN  ngày 28/12/2018, trong đó có kết luận về tồn tại, thiếu sót: “Bộ GTVT phê duyệt định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho Dự án tại văn bản số 10360/BGTVT-CQLXD ngày 20/8/2014 khi chưa lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ xây dựng”, mới đây, Bộ GTVT đã có ý kiến.

Nhìn lại đường sắt nghìn tỷ

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh Hà Đông (Dự án) được đầu tư xây dựng bằng vốn bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008. Trong đó, Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do Bên tài trợ vốn chỉ định là công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.

Đường sắt trên cao

Trong quá trình thực hiện Dự án, do định mức dự toán một số công tác thi công đường sắt trong đô thị chưa được công bố trong hệ thống định mức hiện hành của Nhà nước.

Để phù hợp với quy trình, quy phạm, khung tiêu chuẩn về thiết kế, thi công và nghiệm thu cho Dự án, đáp ứng tiến độ, tuân thủ các quy định hiện hành, Bộ GTVT đã có văn bản số 3093/BGTVT-QLXD ngày 17/05/2010 gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận về áp dụng định mức dự toán cho Dự án và Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại văn bản số 1426/BXD-KTXD ngày 22/8/2010.

Trong đó Bộ Xây dựng có nêu: “Bộ Xây dựng thống nhất áp dụng định mức các công tác xây lắp trong tập Định mức do Bộ Xây dựng nhà ở thành thị và nông thôn Trung Quốc ban hành để lập dự toán cho Dự án đường sắt đô thị trên cao: tuyến Cát Linh - Hà Đông, thành phố Hà Nội nếu các định mức này phù hợp với thiết kế, điều kiện thi công, biện pháp thi công, công nghệ thi công của Dự án.

Các công tác xây lắp có trong tập Định mức dự toán do Bộ xây dựng công bố mà phù hợp với điều kiện thi công, biện pháp thi công, công nghệ thi công, thiết kế và điều kiện thực tế của Dự án thì áp dụng các định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố”.

Ngay sau khi có thỏa thuận của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan tiến hành lập Định mức dự toán áp dụng cho Dự án và ký hợp đồng với Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng để biên soạn bộ Định mức áp dụng cho dự án.

Trên cơ sở Tờ trình số 1519/TTr-CĐSVN của Cục Đường sắt Việt Nam (Chủ đầu tư giai đoạn trước) và hồ sơ định mức kèm theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng tại văn bản số 35/VKT-ĐM ngày 09/01/2014 và văn bản số 724 ngày 22/5/2014.

Ngày 20/8/2014, Bộ GTVT có văn bản số 10360/BGTVT-CQLXD công bố định mức dự toán xây dựng công trình áp dụng cho Dự án, trong tập Định mức này có định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi (mã hiệu AC32711 đến AC 32722) vận dụng định mức ban hành tại văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng.

Kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải

Công tác thi công cọc khoan nhồi tại Dự án đã được thực hiện trong giai đoạn năm 2010 - 2014 và dự toán cũng đã được phê duyệt trong khoảng thời gian đó song song với việc lập định mức dự toán các hạng mục áp dụng cho Dự án theo chấp thuận của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1426/BXD-KTXD ngày 22/8/2010.

Tuy nhiên, ngày 29/5/2014 Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-BXD về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình phần xây dựng (sửa đổi và bổ sung) có hiệu lực từ ngày 01/6/2014, trong đó thay thế định mức khoan cọc nhồi từ mã AC32711 đến AC32722 (tại văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007) bằng mã AC32110 đến AC32445 và không đề cập đến định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi.

Mặt khác, tại Điều 1 Quyết định số 588/QĐ-BXD ngày 29/5/2014 có nêu “Điều 1. Công bố định mức dự toán một số công tác xây dựng kèm theo quyết định này để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình”.

Như vậy, được hiểu việc áp dụng định mức khoan cọc nhồi tại Quyết định 588/QĐ-BXD ngày 29/5/2014 của Bộ xây dựng sửa đổi, ban hành là không bắt buộc.

Trên cơ sở hồ sơ địa chất của Dự án thể hiện khoan cọc nhồi vào tầng lớp địa chất là cuội sỏi và đề xuất chấp thuận định mức áp dụng cho Dự án của Cục đường sắt Việt Nam do Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ GTVT đã rà soát, xem xét chấp thuận định mức áp dụng cho Dự án tại văn bản số 10360/BGTVT-CQLXD ngày 20/8/2014, trong đó có định mức khoan cọc nhồi vào lớp cuội sỏi (mã AC32711 đến AC32722) vận dụng định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ xây dựng là phù hợp về mặt thời gian cũng như điều kiện địa chất thực tế tại Dự án, tuân thủ quy định.

Để có cơ sở thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận việc áp dụng định mức khoan cọc nhồi vào tầng lớp địa chất là cuội sỏi vận dụng theo định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông từ thời điểm năm 2010 đến hết năm 2014.

Đối với định mức dự toán hạng mục cọc khoan nhồi thực hiện từ năm 2015 trở về sau (tầng lớp địa chất không phải là cuội sỏi) thì áp dụng định mức ban hành kèm theo Quyết định 588/QĐ-BXD ngày 29/5/2014 của Bộ xây dựng.

“Nếu tầng lớp địa chất là cuội sỏi, kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất tiếp tục áp dụng định mức kèm theo văn bản số 10360/BGTVT-CQLXD ngày 20/8/2014 của Bộ GTVT đã được Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng biên soạn áp dụng cho Dự án để thực hiện”, nội dung văn bản nêu rõ.