An ninh - Hình sự

Đường "Nhuệ" bị tố cáo bảo kê, chỉ định nơi hỏa táng như thế nào?

Ngoài việc bị bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, vợ chồng Đường Nhuệ còn bị nhiều người làm trong lĩnh vực tang lễ tại Thái Bình tố cáo về việc bảo kê, chỉ định nơi hỏa táng.

Liên quan đến vụ bắt giữ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi, còn gọi là Đường “Nhuệ”, ở TP.Thái Bình) và 4 đồng phạm để điều tra hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại Công ty TNHH Đường Dương (do Đường làm chủ), Thanh Niên đưa tin, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết đang mở rộng điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường do có thông tin về việc bị can này thu tiền bảo kê liên quan hoạt động hỏa táng của người dân tại Thái Bình.

Chiều 14/4, bà N.L (chủ một DN mai táng ở TP.Thái Bình) phản ánh, cuối năm 2017, hoạt động của DN đặt dưới sự điều phối của băng nhóm Đường “Nhuệ”. Theo đó, các DN ở tỉnh Thái Bình được “chia” các địa bàn để hoạt động, trong đó, mỗi DN chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã và không được xâm phạm vào lãnh địa của nhau.

Khi đưa một người chết đi thiêu, DN phải “báo cáo” tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”, gọi là “báo ca”, rồi định kỳ mỗi tháng 2 lần đóng tiền cho băng nhóm này. Mức thu được ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.

Theo bà N.L, ban đầu, Đường “Nhuệ” trực tiếp cùng đàn em đến gặp gỡ DN đe dọa. Sau khi các DN đã bị “quy phục” thì đàn em của Đường sẽ đứng ra quản lý, phụ trách.

Trên báo Tiền Phong, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch Công ty Hoàng Long - đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định cho hay, Công ty Hoàng Long từng ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2017, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập anh Nguyễn Thế Việt (nhân viên Công ty Thành Phát) nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty TNHH Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.

Ông Giao (trái) và anh Việt (phải) nói về hành vi bảo kê dịch vụ tang lễ của Đường Nhuệ (giữa).

Theo ông Trần Đình Giao, Công ty TNHH Đường Dương sau đó đề nghị phía Công ty Hoàng Long cho mình độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình nhưng không được đồng ý. Vì vậy, trong 2 tháng liền, Đường “Nhuệ” buộc các cơ sở tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng tại Hải Phòng dù việc này khiến giá dịch vụ tăng lên bởi đường xa hơn. Nếu ai cố tình sang Nam Định hỏa táng, Đường sẽ “xử lý” nghiêm.

Ông Giao tiết lộ thêm, người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định nhưng thu 500.000 đồng/ca hỏa táng.

Nói rõ hơn về sự việc, anh C. (nhân viên một công ty tang lễ) cho biết cuối 2017, tất cả 23 cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình được Nguyễn Xuân Đường gọi đến, yêu cầu ký vào văn bản nội dung muốn hỏa táng phải thông qua hiệp hội tang lễ Thái Bình, đứng đầu là Công ty TNHH Đường Dương. Nếu các dịch vụ không báo sẽ phải “bỏ kèn đi” tức là không kinh doanh nữa.... 

Báo Chính Phủ đưa tin Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Phòng chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Báo cáo kết quả điều tra bước đầu lên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ (qua Thường trực Ban chỉ đạo) trước ngày 30/4/2020 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mộc Miên (T/H)