Giải trí

Nhiều tác phẩm giải trí chứa "đường lưỡi bò" phi pháp bị xử lý

Cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các vi phạm liên quan đến "đường lưỡi bò" xuất hiện trong sản phẩm giải trí quốc tế.

Chỉ trong đầu tháng 7, hàng loạt sự kiện văn hoá-giải trí bị lên án vì chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. Trước tốc độ phát triển như vũ bão của thời đại số, việc truyền đi thông tin chỉ cần một cú nhấp chuột. Từ đó, tiềm ẩn không ít nguy hại đối với nền an ninh văn hoá nếu các nguồn thông tin không được kiểm duyệt gắt gao trước khi gia nhập thị trường trong nước.

Với đa dạng hình thức khác nhau, "đường lưỡi bò" phi pháp đã núp lùm trong các ấn phẩm giải trí đầy tinh vi. Khi thì rải rác trong một số tập phim, nội dung "lạc đề" với tổng thể như trong Flight to you (tựa Việt: Hướng gió mà đi). Khi lại là nét vẽ nguệch ngoạc đường 9 đoạn, được lý giải là của trẻ con trong thế giới không có thật như nhà sản xuất Barbie lên tiếng. 

Phim có "đường lưỡi bò" bị yêu cầu gỡ bỏ 

Trong series Hướng gió mà đi, hình ảnh "đường lưỡi bò" trái phép xuất hiện nhiều lần. Cục Điện ảnh ra văn bản yêu cầu công ty Netflix, công ty CP Viễn thông FPT gỡ bỏ sản phẩm vi phạm này.

Trong công văn yêu cầu, cơ quản quản lý cho biết đã rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung 39 tập phim trên Netflix, hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trên bản đồ ở các tập 18, 19, 21, 24, 25, 26, 27, 38, rõ nhất ở tập 30. Trong tập 18, từ phút 41:18 giây đến phút 41:55 giây có xuất hiện kèm theo thoại và phụ đề: "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới".

Chiều 10/7, đại diện Netflix cho biết: "Vì một số chi tiết trong các tập bị cấm theo quy định của luật pháp Việt Nam, Netflix đã gỡ bỏ loạt phim Hướng gió mà đi trên nền tảng tại Việt Nam". Tuy nhiên, phim vẫn được phát bình thường ở Netflix toàn cầu.

Tối 9/7, đại diện truyền thông FPT Play cho biết đã gỡ phim khỏi tên miền, ứng dụng và các hạ tầng.

Cơ quan quản lý nhận định đây là phim có nội dung không sai sự thật, xâm phạm chủ quyền quốc gia nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam. Thời hạn trước ngày 12/7, các đơn vị từng chiếu phim Hướng gió mà đi phải có báo cáo cụ thể gửi về cơ quan chức năng.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, cơ quan chức năng tiến hành phân công thêm nhiều nhân sự hậu kiểm mỗi ngày nhằm phát hiện các phim vi phạm luật pháp trên không gian mạng nhưng gặp nhiều khó khăn vì số lượng lớn. 

Ông nói: "Chúng tôi đang xây dựng một quy chế để thưởng cho những cá nhân, tập thể - bao gồm khán giả lẫn cơ quan truyền thông, báo chí - phát hiện, thông báo các phim có nội dung sai quy định được phát hành trên mạng".

Trước đó, trường hợp phim Barbie bị cấm chiếu tại Việt Nam với cùng lý do đã nhận được sự quan tâm từ báo chí quốc tế. Nhiều tờ uy tín như The Guardian, BBC, Variety... đồng loạt đưa tin cho thấy hành vi kiểm duyệt của Việt Nam tạo được hiệu ứng tốt trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền.

Không phải lần đầu

Không chỉ Hướng gió mà đi, Barbie hay concert BlackPink đối mặt với các chất vấn liên quan đến "đường lưỡi bò" trong công tác quảng bá, sử dụng làm chất liệu trong sản phẩm giải trí, trước đó nhiều tác phẩm quốc tế từng bị cơ quan chức năng xử lý vì vi phạm tương tự.

Tháng 3/2022, Thợ săn cổ vật (Uncharted) do Tom Holland đóng chính bị cấm phát hành tại rạp Việt. Tháng 7/2021, Netflix Việt Nam gỡ bỏ 6 tập trong series gián điệp Pine Gap

Tháng 12/2019, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phạt hành chính nhà phát hành phim CGV 170 triệu đồng vì phim hoạt hình Everest: Người tuyết nhỏ bé chứa cảnh bản đồ "đường 9 đoạn". Đồng thời, một số nhân sự Cục Điện ảnh bị khiển trách vì sai sót trong khâu duyệt phim.