Hồ sơ doanh nghiệp

Dược Danapha hoạt động ra sao trước khi chào sàn UPCoM?

Dược Danapha ghi nhận kinh doanh tích cực, tuy nhiên dính nhiều sai phạm liên quan đến nghĩa vụ lên sàn chứng khoán, công bố thông tin, lưu hành thuốc...

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Dược Danapha được đăng ký giao dịch 21,1 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán là DAN. 

Theo đó, 21,1 triệu cổ phiếu DAN mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ chào sàn ngày 22/12 với giá tham chiếu là 32.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 211,4 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Dược Danapha có trụ sở chính tại Tp.Đà Nẵng và nhiều chi nhánh tại Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Thanh Hóa... chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu. Bên cạnh đó, công ty tham gia kinh doanh bất động sản, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống...

Công ty tiền thân là Xưởng Dược Trung Trung Bộ, thành lập ngày 1/4/1965 với mục đích phát triển và sản xuất thuốc phục vụ cán bộ, đồng bào vùng giải phóng. Danapha trở thành công ty đại chúng từ ngày 31/7/2007 với vốn điều lệ 33,5 tỷ đồng. 

Tình kinh kinh doanh khả quan

Trước khi chào sàn UPCoM, tình hình kinh doanh của Danapha ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Cụ thể, quý III vừa rồi, doanh nghiệp ngành dược này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 113 tỷ đồng, tăng gần 17% so với mức 95 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty tăng mạnh lên gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận đạt 11,7 tỷ đồng và 10,9 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 13,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Sau khi khấu trừ chi phí, Danapha ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lợi nhuận 7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty dược phẩm này đạt gần 327 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở nhóm hàng tâm thần kinh, hàng đông dược và nhóm hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng mạnh lên gần 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,8 tỷ đồng và chi phí bán hàng được tiết giảm, lợi nhuận sau thuế cả kỳ ghi nhận hơn 43 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với 3 quý đầu năm 2020.

Tổng tài sản tại thời điểm 30/09/2021 đạt gần 864 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm, chủ yếu do công ty tăng lượng tiền gửi ngắn hạn từ 67,5 tỷ đồng lên gần 304 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng tăng gấp đôi đầu năm, ghi nhận vào cuối quý III đạt gần 251 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn ghi nhận gần 188 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với hồi đầu năm. Công ty không có bất kỳ khoản vay dài hạn nào.

Nhiều lần bị phạt do sai phạm

Dược Danapha từng bị UBCKNN xử phạt do "chây ì" nghĩa vụ lên sàn chứng khoán. Cụ thể, hồi tháng 10/2019, Dược Danapha từng bị phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Danapha đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN từ năm 2007.

Công ty Cổ phần Dược Danapha dính hàng loạt sai phạm trước khi chính thức chào sàn chứng khoán.

Công ty này cũng từng nhiều lần bị xử phạt do không báo cáo không đúng thời hạn về hàng loạt báo cáo tài chính, tài liệu họp đại hội cổ đông, nghị quyết, quyết định, văn bản giải trình... trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020.

Hồi tháng 5 vừa rồi, Dược Danapha bị phạt 30 triệu đồng vì lưu hành thuốc Neuropyl 800 có nhãn không phù hợp với nội dung đã được phê duyệt. Công ty này bị buộc thu hồi sản phẩm. 

Hồi tháng 10 vừa qua, công ty cũng bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định về thực hiện quyền, đăng ký, lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, công ty không thực hiện chốt danh sách người sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 30/1/2021 và họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 ngày 18/4/2021.