Chính sách

Được bồi thường bao nhiêu tiền nếu bị đuổi việc trái luật?

Không phải cứ mắc lỗi là người lao động bị đuổi việc ngay và không phải chủ sử dụng lao động muốn đuổi việc lúc nào cũng được. Trong trường hợp người lao động bị đuổi việc trái pháp luật, công ty phải bồi thường bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại điều 126 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động chỉ được áp dụng biện pháp sa thải khi người lao động có các hành vi sau:

Một là, trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc

Hai là, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động

Ba là, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động…

Ngoài những lý do nêu trên, người sử dụng lao động chỉ được áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Căn cứ điều 42, điều 48 Bộ luật Lao động, công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với người lao động thì phải thực hiện nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Thứ hai, trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên công ty phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Theo đó, công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được công ty chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của sáu tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Thứ ba, công ty không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại 2 mục nêu trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ tư, trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại mục 1 nêu trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Cuối cùng, trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Đặc biệt, điều 162 bộ luật Hình sự quy định người nào mà sa thải trái pháp luật người lao động khiến người đó hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, khi không có căn cứ pháp luật, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà đuổi việc người lao động thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng hoặc phạt tù đến 3 năm.

Hoàng Mai