Xi nhan Trái Phải

Đừng vứt gỗ chọn nước sơn

Mấy ngày nay thực sự tôi bị ám ảnh về vụ việc em bé sơ sinh rơi xuống từ tầng 31 của một chung cư ở Linh Đàm. Nhắm mắt lại tôi bủn rủn chân tay khi mà đầu óc cứ không thôi nghĩ về em bé xấu số với bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trong đầu.

Khi nhắm mắt thử nhập tâm vào cô gái này tôi cảm thấy bản thân cô ta vốn dĩ ngay từ đầu đã không có ý định sẽ giết con mình. Bởi nếu có ý định đó, cô ta đã bỏ con ngay từ khi mới phát hiện mình có thai. Cô ta rõ ràng cũng có lòng thương với đứa bé đang mang trong bụng. Có thể, ý định của cô ta sẽ là giấu người yêu đến cùng, lặng lẽ đẻ và lặng lẽ mang con đi cho để tiếp tục duy trì mối quan hệ.

Nhưng người tính không bằng trời tính, cô ta lại chuyển dạ đau đẻ ngay khi có mặt người yêu mới ở đó. Anh ta lại hoàn toàn không hề hay biết gì về việc cô ta đang mang bầu. Vừa mới yêu được 1 tuần, hình ảnh trong mắt nhau toàn là màu hồng. Tự nhiên thấy người yêu đau bụng đẻ tọt ra đứa con như trên trời rơi xuống. Nếu bạn là người yêu cô gái này, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Kinh ngạc, há hốc mồm, ghê tởm... Và cảm giác đó của người yêu chính là lý do khiến cô ta vội vã chạy vào WC và nghiến răng sinh con trong đó không kêu than một lời nào.

Trong thời gian ở WC, chắc chắn nội tâm cô ta có sự đấu tranh gay gắt. Một bên là con người của THỂ DIỆN và một bên là con người của LƯƠNG TÂM. Rốt cuộc, cô ta cũng như không ít các cô gái trẻ rơi vào tình cảnh này đa phần đều chọn thể diện!

Tôi bị ám ảnh về vụ việc em bé sơ sinh rơi xuống từ tầng 31 của một chung cư ở Linh Đàm.

Tại sao những người trẻ lại coi trọng thể diện hơn tính mạng con người? Bởi họ chưa đủ trải nghiệm để đúc rút ra được rằng đối với cuộc đời mình, điều gì là quan trọng nhất. Họ quá non nớt để có thể dũng cảm đối mặt với sự soi xét của người đời.

Thay vì “đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại” hãy sống thật thà và thẳng thắn! Chỉ có những người thẳng thắn mới đủ độ cứng để dám thừa nhận khuyết điểm và đương đầu với lỗi lầm mình gây ra dù có phải chịu bao nhiêu lời nhiếc móc, dè bỉu của thiên hạ!

Những người trẻ quá coi trọng thể diện đa phần đều dẫn tới những cái đích chung giống nhau là: Sống ảo! Họ thích “dát vàng” lên vẻ bề ngoài dù bên trong có mục ruỗng. Bởi vậy, họ luôn mệt mỏi vì phải che giấu những bí mật, những thói xấu, những mặt trái của bản thân, luôn sống trong cảm giác sợ hãi bị lộ tẩy.

Sống ảo trên mạng xã hội không đáng sợ! Sống ảo ngay giữa đời thực mới nguy hiểm!

Cách đây khá lâu tôi từng đọc một bài báo về những vụ án mạng kinh hoàng ở nước ngoài. Trong số đó có một vụ án mà tôi nhớ rất rõ. Án mạng xảy ra trong một gia đình có hai vợ chồng và một đứa con trai. Ông chồng thất nghiệp ở nhà làm vườn, bà vợ đi làm trở thành nguồn kinh tế chính của cả nhà. Do một mình phải cáng đáng nhiều việc, bà vợ sinh thói nói nhiều và hay rỉa rói, chì chiết chồng. Một lần nọ, ông chồng ngồi tụ họp cùng đám bạn thời trung học, trong phút cao hứng đã chót tâng bốc bản thân lên nói rằng mình đang làm ở một công ty danh tiếng, thu nhập cao… Thế rồi, ngày không mong cũng tới, đám bạn trung học tình cờ ghé qua nhà ông chơi trong khi bà vợ đang ở nhà! Tiện lúc hai vợ chồng đang lời qua tiếng lại, ông ta giết luôn vợ giấu trong tủ quần áo chỉ vì sợ rằng khi bạn bè vào chơi nói chuyện với bà vợ sẽ phát hiện ra những gì ông ta nói chỉ là bốc phét! Sau đó không nhớ rõ vì sao, ông ta giết luôn thằng con trai, hình như là vì nó phát hiện ra mẹ mình đã bị bố giết chết!

Hai vụ án hoàn toàn khác nhau nhưng lại móc nối với nhau bởi một điểm chung duy nhất: Giữ thể diện bằng lời dối trá!

Đây chính là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh trong việc phải dạy con trẻ sống ngay thẳng, trung thực, dám làm thì dám nhận. Và muốn nhắc đi nhắc lại với các phụ huynh rằng mắng nhiếc, chì chiết sẽ không giúp trẻ tốt lên. Nó chỉ khiến chúng co mình lại và che giấu những việc làm xấu.

Tôi đã từng một lần phải góp ý với mẹ về việc bà xui con gái tôi giấu đồ chơi bị hỏng đi để tôi không phát hiện ra. Tôi nói với bà: “Lúc nhỏ nó có gan giấu những lỗi lầm nhỏ, khi lớn lên ắt sẽ che giấu những sai lầm lớn. Sai lầm lớn nhất đời người chính là không dám thừa nhận sai lầm. Thừa nhận sai lầm để sửa sai đã là thành công. Thừa nhận mình dốt và học hỏi thì không phải là dốt!”.

Có những ông bố bà mẹ khi thấy con làm hỏng việc gì ngay lập tức quát tháo, gào thét “sao mày đoảng thế?”, “mày phá ra à?”, “mày có biết cái đó giá bao nhiêu tiền không?”, “mày ăn hại thế?”, “sao mày ngu thế?... Nhưng những lời quát tháo đó không giải quyết được vấn đề gì bởi ngoài việc làm giải toả cơn nóng giận, nó chẳng mang lại ý nghĩa tích cực nào khác. Thậm chí nó khiến con trẻ sợ hãi, lo lắng thấp thỏm mỗi khi mắc sai lầm, sợ bị mắng nhiếc, sợ bị cho là ngu, là đoảng, là đồ ăn hại... Và thế là từ lần sau mỗi lần mắc sai lầm chúng giấu tiệt đi không cho ai biết! Thời gian trôi qua, chúng lớn dần lên và mức độ hệ trọng của những sai lầm cũng gia tăng! Nhưng điều tệ hại nhất chính là chúng đã mắc một căn bệnh mãn tính: Giấu dốt!

Ra ngoài xã hội, đối diện với miệng lưỡi cay nghiệt, vô tình của người đời, chúng càng sợ hãi hơn trước mỗi lần vấp ngã. Hoặc là chúng sẽ trốn tránh, hoặc chúng đổ lỗi, hoặc chúng che đậy... tất cả đều trở thành mầm mống, nguy cơ cho những tội ác tày trời về sau. Chỉ để chúng có thể giữ thể diện!

Thoạt nhìn, chúng ta thấy rằng cái chết của em bé xấu số kia có căn nguyên xuất phát từ sự độc ác của người mẹ tàn nhẫn. Nhưng không, cô ta và cả đứa trẻ chỉ là phần hậu quả! Nguyên nhân xuất phát từ chính chúng ta, những con người xã hội với nhiều định kiến và áp đặt quy chuẩn đạo đức. Để rồi khi có người đi lệch ra khuôn khổ đạo đức đó, chúng ta ùa vào chỉ trích họ, không cho họ con đường lui. Cô gái trẻ mang bầu ngoài ý muốn cảm giác như tay đã nhúng chàm, cô ta cố gắng tìm đường thoát cho mình cuối cùng lại lún sâu hơn vào vũng bùn tội lỗi. Chỉ vì cô ta sợ không dám đối mặt với chính mình càng không dám đối diện với người đời. Cô ta thà giữ thể diện chứ không giữ lương tâm. Một phần bởi tâm sinh lý bất ổn, một phần bởi những mầm mống đã hình thành trong con người cô ta từ rất lâu rồi!

Chúng ta có thể thay đổi điều gì để những vụ việc đáng tiếc như thế này không tiếp tục xảy ra?

Thực ra, những vụ việc tương tự như thế này hàng năm xảy ra không hề ít. Rất nhiều bé sơ sinh bị đẻ rơi rồi vứt ở nhà vệ sinh, bỏ ở nơi hoang vắng, trong rừng, bãi rác, chôn trong vườn nhà, thậm chí vứt sang mái nhà hàng xóm... Vụ việc nào xảy ra cũng khiến dư luận xôn xao một thời gian ngắn rồi lại lắng xuống như chưa hề có chuyện gì xảy ra! Vụ việc lần này có vẻ gây rúng động mạnh hơn cả là bởi em bé bị vứt từ tầng 31 của khu chung cư, nơi tập trung quá đông người qua lại. Phản ứng của phần đông dân chúng là túm tụm vào bàn tán, chỉ trích, nguyền rủa. Nhưng lên án vô ích! Nguyền rủa vô ích! Chỉ trích vô ích!

 Bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi trong bụi tre ở Thái Nguyên năm 2017.

Muốn thay đổi cả một xã hội văn minh lên, phải bắt đầu từ mỗi con người! Mỗi một người cha, người mẹ văn minh lại nuôi dưỡng, dạy dỗ nên những em bé văn minh! Bây giờ chưa văn minh thì 18 - 20 năm nữa sẽ văn minh. Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là thừa và cũng không bao giờ là đủ!

Chúng ta nên tập thói quen để bộ não có thời gian tư duy trước khi miệng bật ra lời nói chỉ trích. Dù là trước bất kỳ sự việc gì. Ví dụ: Khi biết tin cô bạn của mình ăn cơm trước kẻng dẫn đến mang bầu rồi bị bạn trai bỏ dẫn đến cô ta đi phá thai, bạn cảm thấy thế nào? Từ từ hãy nói, cũng đừng vội đánh giá! Muốn đánh giá khách quan một sự việc, trước tiên hãy đặt mình vào nhân vật chính của câu chuyện đó. Xem tính cách của cô ta ra sao, hoàn cảnh của cô ta thế nào, tâm trạng của cô ta nữa... Và nếu bạn ở trong tình cảnh đó, theo bạn sẽ làm gì và làm như thế nào là tốt nhất? Sau một hồi suy xét có khi chính bạn cũng bị bế tắc không biết phải làm gì. Từ chỗ muốn nguyền rủa cô ta, bạn lại thấy cô ta đáng thương và cần được thông cảm. Các cụ có câu “cần uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”!

Nhưng phần đông các bạn trẻ khi nghe câu chuyện đó sẽ lại ồ lên chỉ trích, chẹp miệng lắc đầu ngao ngán, khinh bỉ, nào là “ngu thì chết!”, nào thì “lúc sướng ai sướng cho!”, nào là “độc ác”, kinh khủng hơn nữa là trù ẻo họ vô sinh... Chính những phản ứng này của xã hội đã vô tình đẩy những cô gái trẻ không may lâm vào tình cảnh đó vào thế đường cùng. Phản ứng của họ là sẽ tìm mọi cách để phòng ngự, tự bảo vệ bản thân! Kết cục thì quá bi thương!

Đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời khi một người đã tích đủ lượng và chất, họ sẽ nhận ra rằng, tất cả những gì đang xảy ra, đã xảy ra trên đời này đều mang tính tương đối. Chúng ta nhìn họ, thấy họ có lỗi, họ nhìn chúng ta thấy căn nguyên của lỗi lầm lại xuất phát từ chúng ta. Hoá ra, tất cả những mối tương quan trên đời đều là mối quan hệ hai chiều! Bạn muốn nhận được những điều tốt đẹp ở xã hội này hãy gieo vào nó những hạt giống tốt!

Kim

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả