Đời sống

Đừng tránh né những lời khen! Hãy khen con bạn!

Một đứa trẻ học được cách tiếp nhận lời khen sẽ giúp nó mạnh mẽ và tự tin lên rất nhiều. Mà muốn thế, phải bắt đầu từ chính bạn!

Tôi không hiểu sao rất nhiều cha mẹ… lười khen con? Là sợ khen con nó sẽ sinh ra tự kiêu ư? Hay khen con là làm hư con? Tôi đồng ý rằng có những lời khen kiểu “Con giỏi quá” trong khi con bạn chẳng giỏi vậy sẽ khiến con bạn đánh giá sai về năng lực bản thân.

Nhưng nếu như con bạn đã rất nỗ lực dù kết quả không đạt được như mong muốn thì việc tiết kiệm một câu khen hẳn sẽ khiến đứa trẻ suy sụp lắm.

Khen con đúng là không dễ dãi được nhưng cũng không nên hà tiện một chút nào. Tôi vẫn khen “ông con” tôi đẹp trai, nhưng là đẹp trai hơn tôi. Tôi vẫn khen con gái nhà tôi chăm chỉ dù kết quả có thế nào vì thứ tôi quan tâm đó là tinh thần của bé chứ không phải kết quả.

Tôi vẫn khen cô Ít (bé út) nhà tôi rất sáng tạo dù phần lớn trong những sự sáng tạo đó đều… nửa vời vì đến đoạn khó nàng… bỏ! Nhưng tôi vẫn khen vì tôi muốn cô bé cứ bay đi, hỏng đâu sửa đấy, khó quá ta lại sáng tạo thứ khác. Đời còn dài, tha hồ bay.

Những lời khen, thay vì dùng nó để đánh giá kết quả mà con mình làm được sao không phải là những khích lệ cho tinh thần của con? Như cái cách một đứa trẻ đã rất nỗ lực để thực hiện một việc gì đó, cố gắng thay đổi một điều gì đó hoặc đang cố làm ra một điều mới mẻ.

Một người cha, một người mẹ phải là người nhìn ra những điểm tích cực mà con mình đã làm chứ không phải chỉ nhìn thấy những sai lầm hay những kết quả tệ.

Càng để tâm đến con bạn càng có nhiều mẫu lời khen chính xác hơn là những lời chung chung kiểu: “Con rất tiến bộ đấy” hay “Con của mẹ giỏi quá”.

Cha mẹ có thể dùng lời khen như những định hướng con. Như định hướng về tính kiên trì bằng những lời khen khi con đã nỗ lực theo đuổi một thứ gì đó. Như định hướng cho con về sự dũng cảm hãy khen con khi con vượt qua nỗi sợ hãi hoặc khi con đã rất thật thà nói ra điều nó giấu giếm trong lòng. Hãy dùng những lời khen một cách có giá trị sử dụng hơn chứ không phải chỉ là khen vì đó là con của bạn.

Lời khen đôi khi còn mang tính gắn kết trách nhiệm. Như “Bố tin con sẽ làm được điều này vì con chỉ cần một chút tập trung thôi”. Hay “Mẹ sẽ cho con thêm một cơ hội để sửa sai. Mẹ biết nếu con làm lại, con sẽ không làm như thế”.

Lòng tin dành tặng con có giá trị như một lời khen. Đừng quên! Sự lắng nghe của bạn dành cho con cũng vậy. Hãy luôn cho con thấy chúng được cha mẹ tin tưởng, lắng nghe và đón nhận chúng.

Và cuối cùng, nghe tôi, thưa các bậc cha mẹ, hãy dạy con điều quan trọng này nữa: Sự tiếp nhận lời khen. Nhiều người lớn trong chúng ta luôn có xu hướng tránh né khi nhận được lời khen.

Cái kiểu ai đó comment “Ảnh này xinh đấy” thì câu trả lời phần lớn luôn là “Xinh gì đâu. Tại người chụp đẹp thôi”. Hay đại loại những câu trả lời khác mà luôn không phải là “Cảm ơn bạn! Nhìn cũng ra gì phết đúng không?” hay “Cảm ơn lời khen của bạn! Thật xúc động và hạnh phúc quá đi”.

Hoặc mọi người hay bị khen đểu nên sợ lời khen hay chính mọi người hay khen đểu người khác nên sợ? Hãy dạy lũ trẻ tiếp nhận lời khen bằng một lời cảm ơn.

Hãy cho phép những cảm xúc tích cực từ lời khen đến tinh thần của mình thay vì chạy trốn nó, nghi ngờ nó, phủ nhận nó. Một đứa trẻ học được cách tiếp nhận lời khen sẽ giúp nó mạnh mẽ và tự tin lên rất nhiều. Mà muốn thế, phải bắt đầu từ chính bạn!

Nhà văn Hoàng Anh Tú