Tiêu điểm thế giới

Đừng "thần thánh hóa" thứ vũ khí đập nát "sự kiêu ngạo" S-300 của Nga?

Hệ thống phòng không Pantsir-S và S-300 của Nga đang bị các vũ khí mới vượt mặt nhưng sự cân bằng sẽ được lấp đầy nhanh chóng.

Hệ thống phòng không Pantsir-S.

UAV gây bất ngờ

Sự chú ý đầu tiên bắt đầu từ đoạn video ở Libya về một máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir do Nga sản xuất. Tiếp theo là hệ thống phòng không kỳ cựu S-300 - cũng của Nga - được triển khai ở Nagorno-Karabakh cũng bị chiếc Harop do Israel vượt mặt.

Trong các cuộc xung đột ở Libya và Nagorno-Karabakh năm ngoái, dàn máy bay không người lái đã khiến cho các hệ thống mặt đất – vốn được thiết kế để vô hiệu hóa chúng – trở nên thiếu hiệu quả. Sự lấn lướt của máy bay không người lái đã mở đường cho các cuộc tấn công vào các đội quân trở nên dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia, sự cân bằng sức mạnh giữa máy bay không người lái và hệ thống phòng không đang được định hình là chìa khóa cho các cuộc chiến tranh toàn cầu trong tương lai gần.

“Libya, Nagorno-Karabakh và cả Syria vừa cho chúng ta thấy rằng, nếu lực lượng thực chiến không thể bảo vệ không phận thì việc đối thủ sử dụng bầy đàn UAV quy mô lớn có thể mang đến tình huống cực kỳ nguy hiểm”, Justin Bronk, nhà nghiên cứu không quân tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, cho biết.

Máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chú ý trong cuộc xung đột Libya năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nền tảng này để bảo vệ Chính phủ ở Tripoli chống lại lực lượng hùng hậu của tướng Khalifa Haftar, người dựa vào hệ thống Pantsir do Nga sản xuất.

Với khả năng tung hỏa lực từ bên ngoài tầm bắn hệ thống của Nga, những chiếc TB2 đã tung đòn trúng đích, giúp ngăn chặn bước tiến của tướng Haftar.

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp dụng các cải tiến về phần mềm mới trên máy bay không người lái khi đang bay, thứ khác biệt với loại UAV của Trung Quốc do UAE vận hành để hỗ trợ tướng Haftar”, chuyên gia Jalel Harchaoui từ Sáng kiến ​​toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nói với Defense News.

“Quyết định sử dụng táo bạo và hiệu quả TB2 ở Nagorno-Karabakh vào tháng 10 được thúc đẩy nhờ thành công trước đó ở Libya”.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan, được cho là đã gửi các đội huấn luyện UAV đến trước cuộc xung đột. Những chiếc TB2 cùng với các UAV của Israel đã sớm gặt hái được nhiều thành công, với các báo cáo cho thấy có tới 134 xe tăng Armenia bị phá hủy trong khi Azerbaijan chỉ mất 22 chiếc.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng nền tảng về UAV của mình từ những chiếc UAV mượn của Israel, sau đó áp dụng để chế tạo các mẫu chuyên biệt phá vỡ giới hạn từ nguyên bản của Israel”, Bronk nói. "TB2 có cấu hình khí động học tương tự như Heron, trong khi UAV Anka của Thổ Nhĩ Kỳ tương tự như Hermes 450".

UAV có đang bị “thần thánh hóa”?

Máy bay không người lái Heron-TP của Israel.

Nhà sản xuất Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ đã bán TB2 cho Qatar và Ukraine, trong khi Serbia cũng nhắm đến mặt hàng này, giúp nâng tầm TB2 trở thành đối thủ cạnh tranh với Wing Loong II của Trung Quốc, với 50 chiếc đã được xuất khẩu.

“Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh về doanh số, điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Nga không có loại TB2 tương đương để bán? Tôi rất ngạc nhiên khi họ hầu như vắng bóng ở thị trường này”, chuyên gia Harchaoui nói.

Đóng góp của máy bay không người lái vào các cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh đi kèm với cái giá phải trả, khi Canada đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh TB2 sử dụng các bộ phận linh kiện từ Canada và một công ty Anh cung cấp các bộ phận cho máy bay không người lái cũng hủy hợp đồng.

Ông Bronk cho biết, một số quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh, đang tăng cường khả năng phòng thủ cho các lực lượng mặt đất.

“Trước mối đe dọa này, quân đội Anh gần đây đã đặt hàng một hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn/tầm trung có tên là Sky Sabre. Nếu được triển khai với số lượng lớn, nó sẽ làm giảm đáng kể khả năng bị tổn thương trước việc giám sát và tấn công của các UAV thù địch trong các tình huống không có sự bảo vệ trên không”, ông nói.

Tuy nhiên, UAV không phải là bất khả xâm phạm. “Các mẫu Reaper và Predator của Mỹ và Anh ở Syria gặp rất nhiều vấn đề với tác chiến điện tử của Nga. Do đó, các nền tảng kém tinh vi hơn cũng dễ bị ảnh hưởng hơn”, chuyên gia này nói thêm.

Bronk kỳ vọng rằng các quân đội sẽ chi nhiều tiền hơn cho phòng không để cân bằng mối đe dọa từ máy bay không người lái - "đặc biệt là các quốc gia không có lực lượng không quân mạnh".

“Một lựa chọn là hệ thống SA-17 của Nga, có tầm bắn 75 km so với 10 km của tên lửa TB2, hoặc SA-15 rẻ hơn với tầm bắn 10 km. Các sản phẩm của phương Tây có thể kể đến là hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS - đang được triển khai bảo vệ Washington - với tầm bắn khoảng 15 km và NASAMS 2 với tầm bắn 30- 40 km”, ông nói thêm.