Tiêu dùng & Dư luận

Dùng SIM điện thoại vay tiền tiêu tết: Dễ "ăn" quả lừa tín dụng đen

Cận Tết, các dịch vụ cho vay nóng, vay nhanh đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hình thức vay tiền nhanh bằng sim điện thoại cũng đang được nhiều người “thổi tai” nhau. Tuy nhiên, để tiếp cận khoản vay này không hề dễ và lãi suất cũng khá cao.

Không dễ vay

Theo ghi nhận của PV, trên thị trường hiện nay có nhiều điểm đang cho vay bằng SIM điện thoại, nhiều nhất vẫn là dành cho chủ thuê bao SIM Viettel. Các điểm này đang rao với mức lãi suất từ 1,5 - 5%/tháng. Như vậy, so với các khoản vay tiêu dùng từ các ngân hàng (dao động mức 9 - 12%/năm), việc vay tiền nhanh này có lãi suất cao hơn nhiều.

Nếu tính lãi suất 5%/tháng, người vay phải trả đến 60%/năm, cao gấp hàng chục lần so với các ngân hàng. Thế nhưng, vì cần tiền nên nhiều người phải cắn răng chịu đựng để chấp nhận các khoản vay này.

“Tôi không có cách nào khác là phải đi vay tiền mặt. Đến các chỗ cho vay nóng thì lãi suất cao quá, lên tới mấy trăm phần trăm. Do đó, hình thức này dù biết lãi suất cao hơn vay ngân hàng nhưng tương đối chấp nhận được nếu so với tín dụng đen”, ông Trần Bình Hà, một công nhân ở TP.HCM chuẩn bị về quê Vĩnh Long ăn Tết cho biết.

Các điểm này đang rao với mức lãi suất từ 1,5 - 5%/tháng.

Để rõ hơn loại hình cho vay này, trong vai người đi vay, PV đã liên hệ đến một điểm cho vay ở quận Tân Bình, TP.HCM. Người tên Việt tư vấn: “Để được vay tiền, anh phải là chủ sở hữu của số điện thoại đang sử dụng. Hiện có nhiều ngân hàng và công ty tài chính cho vay theo hình thức này. Anh muốn chỗ nào cũng được”.

“Để cho dễ thì em hỗ trợ tại công ty tài chính F.. Với SIM điện thoại của anh đã sử dụng gần 10 năm, khả năng thu nhập như vậy thì bên em có thể cho anh vay 25 triệu đồng, lãi suất đang là 5%/tháng”, Việt nói thêm.

Để tiếp cận khoản vay ở khối cho vay chính thống là rất khó, đặc biệt là việc chứng minh thu nhập, nơi ở, hộ khẩu...

Như vậy, tổng khoản vay này, PV phải trả lãi suất tới 60%/năm, cao gấp hàng chục lần so với các ngân hàng cho vay tiêu dùng.

Mặc dù rao là vay nhanh nhưng để tiếp cận cũng không hề dễ. Mặc dù các điểm này đều nói không cần phải thẩm định nhà, hồ sơ, thủ tục đơn giản... nhưng người vay phải chứng minh được thu nhập, đồng thời phải có hộ khẩu hoặc tạm trú tại khu vực TP.HCM. Sau khi vượt qua các vòng này, để nhận được tiền, ít nhất cũng phải mất 1 ngày. Đối với những khách hàng có nợ xấu hoặc nợ chú ý thì sẽ không được vay.

Nghèo còn gặp cái eo

Hiện nay, trên mạng và các tờ rơi dán khắp nơi trên mọi ngõ ngách với thông điệp cho vay nhanh, vay nóng, trong đó có cả cho vay qua SIM điện thoại. Thế nhưng, nhiều điểm đang lợi dụng nhu cầu cần tiền mặt của người dân để lừa đảo.

Theo đó, chiêu thức hoạt động của các đối tượng này là dán thông báo đề nghị làm hồ sơ để vay tiền và cam kết có tiền ngay trong ngày. Các đối tượng này yêu cầu người vay phải đóng phí để thẩm định, dao động từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/hồ sơ.

Trong trường hợp không vay được tiền thì khách hàng sẽ được trả lại toàn bộ số tiền phí kể trên. Thực tế, khi nhận tiền của người vay thì các đối tượng này sẽ chuồn êm.

Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) cho biết: “Mới đây, tôi đã làm hồ sơ để vay tiền qua thẻ SIM Viettel và 1 hồ sơ qua SIM Mobifone (của vợ). Tuy nhiên, sau khi làm tất cả các thủ tục theo hướng dẫn và đóng khoản phí là 1 triệu đồng cho 2 hồ sơ, hai ngày sau, tôi cũng không thấy người này gọi để giao tiền như đã hứa”.

Dù quảng cáo là miễn phí nhưng một số nơi yêu cầu người vay phải đóng phí để thẩm định, dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng/hồ sơ.

“Chúng tôi tiếp tục liên lạc theo số điện thoại này nhưng không được. Sau đó chúng tôi có tìm hiểu thì để vay tiền của loại hình này không cần phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đúng là đã nghèo lại gặp cái eo", ông Thành bức xúc nói thêm.

Trong vai người cần vay, PV liên hệ một người tên Yến, cho vay ở khu vực quận Gò Vấp, TP.HCM. Ngay sau khi hướng dẫn các thủ tục, Yến cũng đề nghị đóng phí 500.000/hồ sơ. Tuy nhiên, khi đề nghị làm việc trực tiếp và đóng phí thì Yến tỏ vẻ nghi ngờ và đề nghị chuyển toàn bộ thông tin qua zalo, sau đó thì chuyển khoản vào số tài khoản.

Dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần tín dụng đen

Chuyên gia tài chính, TS. Trần Thành Long, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Việc người dân có nhu cầu vay tiền trong dịp cận Tết đang tăng cao. Bởi, thời điểm này ai cũng cần tiền để lo Tết, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và người nghèo. Vì thế, đã có rất nhiều hình thức cho vay khác nhau ra đời để đáp ứng nhu cầu này.

Để tiếp cận khoản vay ở khối cho vay chính thống là rất khó, đặc biệt là việc chứng minh thu nhập, nơi ở, hộ khẩu... vì thế họ phải tìm đến các dịch vụ vay ngoài các tổ chức tín dụng được cấp phép, với lãi suất rất cao. Do đó, việc tìm đến các điểm cho vay qua SIM điện thoại, người dân cũng cần phải chú ý”.

“Đầu tiên phải xác minh tổ chức cho vay, tốt nhất là có sự tham vấn của những người biết về dịch vụ này. Kế đến là phải xem lãi suất tính như thế nào, theo ngày, tháng hay năm, thời hạn vay. Đồng thời phải kiểm tra các thông tin trong hợp đồng lúc ký nhận vay, tránh rơi vào bẫy tín dụng đen”, chuyên gia này khuyến nghị.

Nhiều người đã chấp nhận vay mà không quan tâm tới lãi suất hoặc không để ý tới lãi suất dẫn tới rơi vào vòng xoáy của nợ nần và lãi suất cắt cổ.

Bên cạnh việc vay tiền bằng thẻ sim điện thoại, hiện nay, trên thị trường chợ đen còn hàng loạt dịch vụ vay nhanh, vay nóng, vay bằng hộ khâu, bằng lái xe... Các dịch vụ này đang quảng cáo nhan nhản. Thế nhưng, thời điểm cận Tết, nhiều người đã chấp nhận vay mà không quan tâm tới lãi suất hoặc không để ý tới lãi suất dẫn tới rơi vào vòng xoáy của nợ nần và lãi suất cắt cổ.

Nhiều trong số này đã phải bỏ trốn hoặc bị truy sát hoặc tìm đến cái chết... do các các chủ nợ thuê người hoặc các băng nhóm xã hội đen đòi nợ gây sức ép, khủng bố, đe dọa dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Đại uý Phạm Minh Tuấn, đội Tham mưu, Công an quận Bình Tân cho biết: “Thời gian qua, công an quận đã tiếp nhận và thụ lý điều tra rất nhiều vụ việc liên quan tới tín dụng đen. Gần đây nhất là đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Hùng (SN: 1978, ngụ 168/24 đường số 12, khu phố 18, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) về việc bị các đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn, quăng mắm tôm vào gia đình, đồng thời hăm doạ đến tính mạng”.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm Người phát ngôn Công an TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, lực lượng công an TP đã xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, liên quan chủ yếu tới các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… khi người vay chưa thể trả nợ vay trong hoạt động tín dụng đen. Việc xử lý cho vay nặng lãi là không dễ, bởi, các đối tượng này luôn tìm cách lách luật, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm”.