Tiêu điểm thế giới

Nắm trong tay "quân bài tẩy" S-400, Nga vừa "buộc tay" Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, vừa "trói chân" Iran ở Syria?

Với thương vụ S-400 làm đòn bẩy, Nga có thể trấn áp Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, trong khi gián tiếp khiến cho Iran không thể mở rộng thêm ảnh hưởng của mình ở Syria.

Nga-Thổ có những tính toán khác nhau ở Idlib.

Cuộc chiến ở Idlib đang đi vào bế tắc khi cả hai bên đều không giành được lợi thế đáng kể nào kể từ khi các đợt giao tranh nổ ra từ tháng 5.

Trong khi lực lượng Syria đang tiến hành bắn phá các mục tiêu khủng bố ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp vũ khí cho các chiến binh để đáp trả lại các đợt tiến công, buộc Syria quay lại bàn đàm phán.

Trong khi đó, Nga có thể đang sử dụng cuộc xung đột để củng cố ảnh hưởng của mình đối với chính quyền Tổng thống Bashar Assad và gây áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp tục mua hệ thống phòng thủ S-400, các chuyên gia nói với Al Bawaba.

Trận chiến ở Idlib và Bắc Hama giống như ván bài địa chính trị tinh tế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trò chơi ngoại giao tinh tế

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang sử dụng chiến dịch Idlib để đạt được một loạt các mục tiêu chính trị trong và ngoài Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang duy trì phạm vi ảnh hưởng ở phía tây bắc Syria - đang làm tất cả những gì có thể để đưa Tổng thống Assad và Tổng thống Putin trở lại bàn đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo con đường khá đúng đắn khi kết hợp giữa việc cho chính quyền Syria thấy rằng cuộc tấn công của họ phải trả giá lớn như thế nào, trong khi một mặt đưa lực lượng ra kháng cự mạnh mẽ để hai bên cùng chấp nhận quay trở lại lệnh ngừng bắn”, chuyên gia phân tích về Syria Nick Grinstead nói với tờ Al Bawaba.

“Họ làm như vậy vì nó không muốn hàng triệu người tị nạn lao về phía biên giới của mình”, chuyên gia nói thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tiếp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria, nhưng sau đó đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn mới có nguy cơ đổ về thêm.

Nếu trận chiến Idlib leo thang và phiến quân nhanh chóng mất đi lực lượng tiến công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với 3 triệu người Syria hiện đang bị mắc kẹt ở Idlib, cố gắng chạy về phía nước này trong tuyệt vọng.

Ở trong nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị.

Đảng cầm quyền AKP của Tổng thống Erdogan đã dần mất đi vị thế và đối mặt với một cuộc bầu cử có khả năng rủi ro cao. Nếu không thể kiểm soát được tình hình Idlib, uy tín của đảng AKP có thể sẽ còn giảm hơn nữa.

Vì điều này, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách kiểm soát cuộc tấn công hết mức có thể, cố gắng làm suy yếu lực lượng Syria và tránh tạo điều kiện cho một cuộc tấn công toàn diện vào thành trì cuối cùng của phiến quân.

Với sự kháng cự mạnh mẽ của mình, Tổng thống Erdogan dường như hy vọng những động thái này có thể gây áp lực cho Syria tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn được ký kết bởi Chính phủ của ông với Nga.

Nga không muốn có phần của Iran ở Idlib.

Trong khi Tổng thống Erdogan phản ứng bằng cách kháng cự lại trước các đợt tấn công của quân đội Syria, Nga coi đây là cơ hội để kiếm lợi từ cả hai mặt trận quan trọng: Một với chính quyền Erdogan đang rất dễ bị tổn thương và hai là với chính quyền Tổng thống Assad.

Tại Syria, ở thời điểm cuộc chiến 8 năm đang đi vào kết thúc, Nga và Iran đang có sự cạnh tranh ngầm về ảnh hưởng về mặt chính trị và kinh tế. Theo nhà phân tích Grinstead, “Nga có thể gây áp lực đằng sau hậu trường để giữ cho các lực lượng thân Iran đứng càng ở xa tiền tuyến Idlib càng tốt”.

Bằng cách không cho quân đội Iran tham gia vào chiến dịch Idlib, Nga sẽ đảm bảo rằng các nhóm thân Iran sẽ không có được tiếng nói ảnh hưởng nào tại khu vực này một khi được giải phóng.

Chuyên gia Grinstead cũng lưu ý rằng các lực lượng lãnh đạo chiến dịch Idlib hiện tại của chính quyền Syria cũng chủ yếu là thân với Nga chứ không phải thân Iran.

Đáng chú ý hơn, mức độ hỗ trợ của Nga cho chiến dịch của lực lượng Syria có thể dựa vào một thứ hoàn toàn không liên quan đến cuộc chiến hiện tại: Thương vụ mua S-400 gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Cuộc tấn công Idlib vẫn còn ở giai đoạn đầu và phụ thuộc vào thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ về S-400”, Giáo sư Fabrice Balanche từ Viện Chính sách Cận Đông của Washington nói với Al Bawaba.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết với Nga trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Thỏa thuận này đã trở thành chủ đề tranh cãi dữ dội khi Mỹ cho rằng S-400 không thể được tích hợp vào cơ sở hạ tầng tên lửa phòng thủ do NATO sản xuất vì lý do an ninh.

Mỹ và các đồng minh NATO lo ngại rằng Nga có thể lượm lặt thông tin nhạy cảm về công nghệ máy bay F-35 khi triển khai S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn một cách rộng lớn hơn, thông điệp từ việc mua hàng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang rời xa NATO và bắt đầu nồng nhiệt hơn với Nga. Đáp lại, Mỹ đe dọa sẽ giữ lại lô hàng F-35 và cho chính quyền Erdogan thời hạn đến 31/7 để rút khỏi thỏa thuận vũ khí với Nga.

Theo nhà phân tích Balanche, thỏa thuận vũ khí mang lại cho Nga đòn bẩy đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Idlib: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hủy thỏa thuận vì áp lực của Mỹ, chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc tấn công lớn và dữ dội ở Idlib với sự giúp đỡ của dân quân Shia. Nếu không, cuộc tấn công sẽ chỉ ở mức hạn chế”.

Nói cách khác, Nga có thể sẽ hạn chế phạm vi tấn công ở Idlib để đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo việc mua vũ khí. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận, Nga có thể đẩy mạnh cuộc tấn công, đẩy hàng ngàn người tị nạn tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và gây áp lực to lớn đối với Tổng thống Erdogan, người hiện đang nắm giữ quyền lực mong manh.

S-400 có thể được coi là cách Nga tạo ra sức mạnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.