Tiêu điểm thế giới

Dùng F-16 để thử nghiệm S-400: Cả gan "vuốt râu hùm" Mỹ, kết cục bi thảm của Thổ Nhĩ Kỳ là khó tránh?

Việc sử dụng chính máy bay F-16 để thử nghiệm S-400 được cho là một động thái "vuốt râu hùm" của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ. Các lệnh trừng phạt đối với Ankara giờ đây dường như là không thể tránh khỏi.

Nỗ lực trấn áp căng thẳng của ông Erdogan đã tan thành mây khói.

Số phận khó tránh

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã công bố hình ảnh về việc nước này sử dụng chiến đấu cơ F-16 bay gần hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 để thử nghiệm radar của vũ khí mới mua.

Cảnh tượng đã làm dấy lên suy đoán về việc S-400 có khả năng đã được kích hoạt - một động thái mà các quan chức Mỹ trước đó đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên sau đó đã xác nhận thông tin nói trên và giờ đây, giới quan sát đang chờ đợi xem Washington sẽ trừng phạt Ankara  như thế nào vì những hành động mà người Mỹ gọi là đe dọa hệ thống an ninh của NATO.

Động thái táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong nỗ lực cải thiện quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã thể hiện mối quan hệ thân thiết với nhau, Quốc hội Mỹ vẫn không vì thế mà bỏ qua những đề xuất trừng phạt Ankara vì mua S-400 từ Nga.

Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall tại Ankara, cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ dường như là điều không thể tránh khỏi, nhất là sau động thái thử nghiệm gần đây.

“Những áp lực mà ông Erdogan vừa tạm ngừng được ở Washington giờ đây sẽ được kích hoạt trở lại”, ông Unluhisarcikli nói với Al-Monitor. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị xử phạt và tôi không tin rằng họ sẽ bị giới hạn trong các lệnh trừng phạt của CAATSA. Khi kiếm đã ra khỏi vỏ, sẽ khó mà biết Quốc hội Mỹ sẽ dừng lại ở giới hạn nào”.

Các gói trừng phạt được đề xuất có thể áp đặt với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, các ngành năng lượng và ngân hàng quốc gia.

Trả lời các câu hỏi về cuộc thử nghiệm radar hôm 25/11, ông Erdogan bình thản nói: “Đây là một vấn đề có liên quan đến NATO. Không có vấn đề gì với việc sử dụng hay không sử dụng chúng. Có những bước cần phải thực hiện theo các quy tắc của NATO. Các đồng nghiệp của chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc về vấn đề này”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nhấn mạnh, ông sẽ tiếp tục tìm kiếm các hướng đi giải quyết tranh cãi S-400 với các quan chức Mỹ cho đến tháng 4/2020, thời điểm hệ thống tên lửa dự kiến được kích hoạt.

Thổ Nhĩ Kỳ ngược dòng

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt vì S-400 dường như là điều khó tránh.

Hiện tại, các nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang được đào tạo tại Nga để vận hành hệ thống, Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại cho biết.

“Cách để thoát khỏi lệnh trừng phạt CAATSA là thể hiện rằng bạn đang cố gắng tự từ bỏ vũ khí Nga”, ông Stein nói với Al-Monitor. “Một số quốc gia trong NATO, như Bulgaria, Estonia, Latvia - có các chương trình hỗ trợ tài chính do Mỹ phân bổ để bắt đầu loại bỏ các thiết bị của Nga. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo hướng ngược lại”.

Các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán về đề xuất Ankara loại bỏ S-400 để mua hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, nhưng ông Erdogan đã lặp lại ý định muốn có cả hai.

Hôm 26/11, hãng tin RIA Novosti cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ ký hợp đồng vũ khí mới vào năm 2020, vượt ra ngoài khuôn khổ S-400 và có thể bao gồm các thỏa thuận hợp tác sản xuất và chia sẻ công nghệ mà Ankara đang tìm kiếm để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần một máy bay chiến đấu, vì vậy có một con đường rõ ràng hướng tới Su-35 và S-400 trong vòng 10 năm tới ở Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Stein nói với Al-Monitor. Nhưng ông nhấn mạnh rằng: “Điều đó không tốt”.

Hiện tại, khi các cuộc thảo luận về gói trừng phạt mới được đưa ra ở Washington, Tổng thống Erdogan có rất ít cơ hội để thay đổi tình hình, Kerim Has, một nhà phân tích chuyên về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

“Sau đó, ông Erdogan sẽ không thể rút khỏi thỏa thuận S-400”, ông nhấn mạnh, lưu ý nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với áp lực của giới chính trị trong nước.

Tuy nhiên, nhà phân tích Has cũng lưu ý rằng chiến lược hiện tại của Ankara nhằm đa dạng hóa mạng lưới đại lý vũ khí có thể mang lại một số lợi ích cho Tổng thống Erdogan.

“Tổng thống Erdogan phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Nga để duy trì quyền lực của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì nếu ông phụ thuộc 100% vào các nước phương Tây thì sẽ gặp khó khăn một khi vấp phải biểu tình, hoặc khủng hoảng kinh tế sâu rộng”, ông kết luận.