Quan điểm

Đừng đòi hỏi chủ nhà trọ giảm tiền thuê mùa dịch

Thời điểm dịch bệnh, kinh tế khó khăn, người thuê trọ có nỗi lo tiền bạc thì chủ nhà cũng vậy. Thế nên đừng bức xúc nếu chủ nhà không giảm tiền cho người đi thuê.

Hiện tại anh trai tôi đang làm chủ một tòa chung cư mini cho thuê. Đây là công trình anh mới xây năm ngoái. Đất thì được bố mẹ cho nhưng số tiền đăng ký giấy phép rồi xây nhà, tính sơ sơ cũng đã tốn hơn 5 tỷ đồng. Ngoài số tiền tích góp và vay thêm đằng ngoại, anh tôi vẫn phải vay ngân hàng khoảng hơn 1 tỷ. Không may khi chung cư hoàn thành thì lại đúng vào đợt dịch bệnh Covid-19.

Nhiều người thuê trọ lấy lý do về quê không ở nên xin chỉ thu nửa tiền; có người thì trình bày vì dịch bệnh khiến thu nhập giảm nên cũng xin giảm tiền thuê nhà 10 đến 30%, trong khi đúng hợp đồng phải thu đủ. Vậy mà vẫn còn phòng bỏ không, toà nhà chưa hoạt động hết công suất. Không giảm tiền cho thuê thì bị nói là ky bo, nhẫn tâm trong khi đó tiền lãi, tiền gốc trả cho ngân hàng mỗi tháng thì vẫn phải trả đủ. Điều này khiến anh tôi rất đau đầu, đang không biết xoay xở ra sao. Thế nên đừng ai nghĩ làm chủ nhà trọ thì lúc nào cũng giàu có, cũng sướng, chỉ việc ngồi không mà thu tiền.

Mùa dịch, tôi đọc được nhiều câu chuyện về việc chủ nhà trọ, chủ mặt bằng cho khất thời gian trả tiền hoặc giảm tiền cho thuê, thậm chí miễn tiền trọ 1-2 tháng. Đây là tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với người khác, một hành động rất đáng quý, rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những người này đều có kinh tế dư dả, không thu tiền thuê một vài tháng với họ cũng không thành vấn đề. Nhưng thực tế là không phải người cho thuê nào cũng vậy.

Nếu có những chủ nhà trọ, chủ mặt bằng không đồng ý giảm tiền thì người thuê cũng phải chấp nhận. Đừng bức xúc rồi nói xấu, phê phán họ là tham lam, ky bo, vô tâm hay nhẫn tâm. Đừng cho rằng chỉ có một mình mình khổ bởi giữa thời buổi khốn khó này ai cũng có nỗi khổ riêng. Người cho thuê chưa chắc đã sung sướng, thảnh thơi hơn người đi thuê nhà.

Bởi như đã nói ở trên, với những người xây nhà cho thuê không phải vay mượn và đã có kinh tế vững vàng hay nguồn thu nhập chính của họ không đến từ việc cho thuê phòng trọ thì họ có thể giảm tiền bao nhiêu tùy tâm, hành động tốt đẹp này không có gì đáng bàn cãi.

Tuy nhiên những trường hợp còn lại, đa số đều là kinh doanh nhà trọ và cho thuê mặt bằng. Mà đã là kinh doanh, giống như một doanh nghiệp, thì phải nói đến doanh thu, lợi nhuận và chi phí. Tiền vay ngân hàng, tiền bảo dưỡng cơ sở vật chất, tiền quản lý hệ thống nhà trọ..., có rất nhiều chi phí khác mà chủ nhà phải gánh.

Nhiều chủ nhà trọ khi đầu tư phải đi vay mượn thế chấp ngân hàng thì họ cũng đau đầu khi đến kỳ hạn trả nợ. Mùa dịch này có ngân hàng nào "thông cảm" hoàn cảnh người đi vay mà đồng ý giãn nợ, giảm lãi suất không hay vẫn thu đủ, không thiếu một đồng.

Vì thế chủ nhà nào giảm tiền thuê thì tốt còn không thì cũng chả có lỗi gì vì họ vẫn đang làm đúng hợp đồng đã thỏa thuận. Lúc ăn nên làm ra người thuê có đưa cho họ thêm đồng nào đâu mà lúc khó khăn đòi họ phải giảm cho mình.

Thế nên thay vì kêu gọi chủ nhà giảm tiền thì nên thương lượng với họ cho giãn thời gian thanh toán hoặc trả góp. Nếu hai bên không thống nhất được thì có thể tìm một chỗ khác giá thuê vừa túi tiền hơn. Trong giao dịch, thuận mua vừa bán và liên quan đến chuyện tiền bạc thì nên sòng phẳng, đừng đẩy vai ác cho ai.

H.T

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả