Bạn đọc viết

Đừng đổ lỗi để biện minh cho thói vô ý thức

Câu chuyện về “những con đường rác” sau lễ hội hay mỗi cuộc vui giờ không còn là điều gì đó xa lạ với nhiều người và dư luận không ít lần đã lên án gay gắt. Thế nhưng muốn giải quyết triệt để thực tế ấy lại không hề đơn giản.

23h tối 26/10, sau đêm Đại hội âm nhạc FWD Music Fest 2019 hoành tráng tại Hà Nội, dòng người hâm mộ đã thưa dần, cổng SVĐ Mỹ Đình “trơ trọi” trong khoảng không gian ngập ngụa rác.

Hàng nghìn vỏ túi nilon, chai lọ vứt ngổn ngang dưới mặt sân, những hộp xôi còn ăn dở và nước đổ lênh láng biến Mỹ Đình trở thành một “bãi rác công cộng”. Rác thải ngập tràn khắp mọi nơi, vương mùi hôi thối.

Tôi chợt nhớ về hình ảnh đẹp của người Việt được báo chí hết lời ca ngợi khi ở lại nhặt rác trên sân vận động trong trận đá bán kết Asiad giữa Việt Nam và Hàn Quốc tổ chức tại Indonesia. Khi ấy, dù Việt Nam thua trận, các CĐV tuy vẫn còn nhiều cảm xúc nuối tiếc nhưng trước khi rời sân vận động ra về đã không quên cúi xuống nhặt sạch rác trên khán đài.

Không chỉ có hành động đẹp trong việc giữ gìn vệ sinh chung, các CĐV Việt Nam cũng rời khỏi khán đài trong ôn hòa và trật tự. Không có nhóm CĐV nào quá khích hay gây kích động khi đội tuyển nước nhà bị thua cuộc. Khi ấy, chúng ta không chiến thắng trong trận đấu nhưng có lẽ đã chiến thắng chính mình. Chiến thắng vì người Việt đã biết giữ gìn hình ảnh về con người đất nước mình trên đất nước bạn.

Từng đoàn người nườm nượp ra về, bỏ lại phía sau sự huyên náo là một sân vận động với cả biển rác bốc mùi ô uế. Ảnh: Thúy Hường

Thế nhưng lại chạnh lòng biết mấy, khi những núi rác sau mỗi cuộc vui vẫn chất đầy và vung vãi khắp nơi. Những thứ rác ấy là vô tri nhưng chúng đang lên án chính chúng ta. Chúng ta hay nói những điều đẹp đẽ về bảo vệ môi trường, về trồng cây xanh, về chống biến đổi khí hậu. Đáng buồn thay, thực tế mà ai cũng thấy, đó là sự vô ý thức của một số người.
Nhìn những hình ảnh xấu xí đó, hãy một lần suy nghĩ thật nghiêm túc và đừng đổ lỗi cho bất kì điều gì. Đừng chỉ chờ đợi các dự án mang tầm vĩ mô rồi mới thực hiện, bạn vứt rác của mình đúng nơi quy định, chính là việc làm thiết thực nhất.

Đừng đổ lỗi cho thùng rác vì chúng chưa đặt đúng vị trí bạn cần, bởi nếu thói quen “tiện đâu vứt đó” chưa dừng lại, thì đặt bao nhiêu thùng rác đều là không đủ. Đừng kêu ca chỉ trích khi chưa có chế tài xử phạt hợp lí hay nghiêm khắc mang tính răn đe như các nước bạn, nó là cần thiết, nhưng không phải là tất cả.

Bao giờ thì trên đất nước tôi, hình ảnh đẹp về những người Việt ở lại dọn rác sau mỗi cuộc vui không còn trở nên xa vời. Để không còn thấy sau mỗi cuộc vui, phố đi bộ hay các lễ hội đông người lại bị các phương tiện truyền thông phàn nàn chuyện ngập rác. Để không còn hổ thẹn, khi hình ảnh về một cá nhân hay nhóm nhỏ ở lại nhặt rác lại được báo giới ca ngợi như điều gì quý và lạ lắm!

Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh