Văn hoá

Đừng biến “Bưu điện Hà Nội” thành “VNPT Hà Nội”, hãy coi đó là một vinh dự!

Cái tên “Bưu điện Hà Nội” gắn với  lịch sử, văn hóa của Thủ đô bỗng đổi thành “VNPT Hà Nội”. Việc “thay tên đổi họ” này cũng khiến ĐBQH Dương Trung Quốc mang nhiều suy tư.

Tòa nhà quen thuộc, từng gắn với ký ức của thế hệ người Hà Nội là tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” – ngay cạnh hồ Gươm bất ngờ bị đổi tên thành “VNPT Hà Nội”. Điều này, khiến không ít người dân sinh sống tại Thủ đô Hà Nội cảm thấy xa lạ.

Cái tên "Bưu điện Hà Nội" nay đổi thành "VNPT Hà Nội", khiến nhiều người cảm thấy xa lạ.

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe những chia sẻ của nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc về việc biểu tượng hơn 100 năm của Thủ đô bất ngờ bị "thay tên đổi họ".

“Tôi cho rằng, vấn đề này phải đứng từ nhiều phía nhìn vào, nhà Bưu điện Trung ương là một thiết chế của đô thị và có vị thế rất đặc biệt, gần như là định vị địa lý cho một đô thị lớn. Thường tích hợp rất nhiều yếu tố mang tính chất văn hóa. Cho nên, một thành phố có thể không có VNPT nhưng không thể không có bưu điện”, ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ.

Cũng nói thêm về tên gọi hiện nay của tòa “Bưu điện Hà Nội” là “VNPT Hà Nội”, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Tôi nghĩ, lẽ ra VNPT với tư cách là một doanh nghiệp được giao cho sử dụng tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” thì phải coi đó là vinh dự mình được sử dụng tên “Bưu điện Hà Nội”. Cái tên VNPT tôi thấy cũng như bất kỳ một doanh nghiệp nào đó thôi. Hơn nữa, một điều rất không hay, chữ “VNPT” là tên viết tắt của phiên âm tiếng nước ngoài. Viết tắt như vậy có thể rất thuận lợi trong vấn đề giao dịch, nhưng lại không nghiêm chỉnh với tư cách là một mỹ tự, một tên gọi.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng cần để lại tên cũ "Bưu điện Hà Nội".

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi hạ thấp VNPT, vì VNPT có một vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội nhưng nên nhìn nhận vấn đề này ở góc độ văn hóa thì sẽ tốt hơn.

Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo VNPT nên có một ý thức, trách nhiệm văn hóa với quốc gia hơn là chỉ nghĩ đến thương hiệu của mình”.

Bên cạnh đó ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Tôi cho rằng việc này cần điều chỉnh, về phía cơ quan văn hóa nên có ý kiến lấy lại tên cũ. Để người dân Thủ đô không còn cảm thấy xa lạ mỗi khi đến Hồ Gươm”.

Trước đó, cũng liên quan tới vấn đề này, sở Văn hóa thể thao Hà Nội cũng đã có ý kiến “đòi” lại cái tên cũ “Bưu điện Hà Nội” như trước đây.

Đồng thời, Sở sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay “VNPT Hà Nội” bằng tên vốn có của công trình này là" Bưu điện Hà Nội".

Mặc dù có nhiều ý kiến, trong đó người dân Thủ đô và cả những chuyên gia văn hóa Hà Nội đều mong muốn nhìn thấy cái tên cũ “Bưu điện Hà Nội”. Thế nhưng, bất chấp dư luận, cho đến nay cái tên “Bưu điện Hà Nội” vẫn chưa được trở về nguyên trạng.