Sức khỏe

Đừng bao giờ nhịn "xì hơi" bởi bạn có thể gặp phải điều kinh dị này

Nếu cố nhịn “xì hơi” nó sẽ tìm đường thoát ở mọi nơi có thể. Kinh dị là lượng khí bốc mùi có thể chuyển hướng và giải phóng qua… đường miệng.

Trung tiện (đánh rắm hay “xì hơi”) là hành động thải khí ra khỏi đường ruột qua hậu môn. Nó xảy ra khi khí đường ruột xâm nhập trực tràng do các quá trình tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn.

Khi bạn ăn uống, một số thành phần "khó nhằn" trong thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày sẽ di chuyển xa hơn trong đường ruột, được vi khuẩn xử lý bằng cách lên men, tạo ra khí và các axit béo. Axit béo được tái hấp thu và sử dụng trong quá trình trao đổi chất liên quan đến khả năng miễn dịch. Trong khi đó khí sản sinh cũng được tái hấp thu qua thành ruột, đi vào hệ tuần hoàn cuối cùng ra khỏi cơ thể qua phổi hoặc trực tràng. Lượng khí đi qua trực tràng nên được giải thoát một cách tự nhiên qua phản ứng xì hơn. Nếu cố nén lại, bạn sẽ gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng.

Cố nhịn "xì hơi" trong thời gian dài có thể khiến chúng ta ợ hơi mà có mùi như “khí thải”. (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Faraz, từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, nếu không “xả khí”, bạn có thể gặp phải tình trạng ợ chua, đầy hơi và tức bụng. Đáng nói là lượng khí đáng lẽ đào thải qua đường tiêu hóa sẽ chuyển hướng và thoát qua đường miệng. Hãy tưởng tượng ợ hơi nhưng có mùi như “khí thải” thì kinh khủng đến mức nào.

Trong bài viết từng được đăng tải trên tờ The Conversation, Clare Collins, nữ giáo sư về dinh dưỡng tại đại học Newcastle (Anh) cũng liệt kê nhiều vấn đề sức khỏe bạn có thể gặp phải nếu nhịn “xì hơi”.

Ngoài hơi thở nặng mùi, bạn còn phải đối mặt với những cơn căng cơ bụng đau đớn mỗi lần cố nhịn. Về lâu dài, nhịn xì hơi làm tăng nguy cơ phát triển chứng viêm túi thừa đại tràng. Bệnh nhân thường được điều trị viêm nhiễm bằng kháng sinh, trong trường hợp nghiêm trọng sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị viêm nặng.

Dù không nên nín nhịn nhưng chúng ta có thể kiểm soát số lần xì hơi và giúp cho “khí xả” không quá nặng mùi.

-Nếu bạn tăng cường bổ sung chất xơ, số lần xì hơi trong ngày sẽ giảm dù lượng khí trung bình thải ra trong ngày không đổi.

-Hạn chế ăn đồ ngọt vì ruột non khó hấp thụ chất ngọt.

-Kiểm soát lượng đạm tiêu thụ: Nếu ăn quá nhiều đạm sẽ khiến “khí xả” có mùi nặng hơn. Nếu muốn tăng lượng đạm lên, hãy chú ý tăng cường chất xơ cho cân bằng với lượng đạm trong mỗi bữa ăn.

-Hạn chế uống rượu vang: Nên hạn chế uống rượu vang vì nó có chứa sulphates, sẽ khiến “khí thải” bốc mùi hơn.

Minh Hoa (t/h)