Sức khỏe

Dùng AI để cấp "thẻ căn cước" cho muỗi?

Bằng cách xác minh thông tin của muỗi, các nhà khoa học sẽ có thể dễ dàng giám sát bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra.

Một nhóm nghiên cứu tại thuộc đại học Rhode Island (Mỹ) đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại muỗi về giới tính, chủng, loài và dòng giống hay nói theo cách hài hước là cấp "thẻ căn cước" cho muỗi!

Thành công này có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống các bệnh nguy hiểm do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết, Chikungunya. Trí tuệ nhân tạo AI có thể xác định nhanh chóng và chính xác các loại muỗi mà cả chuyên gia vẫn chưa phân biệt được.

Bằng cách xác định thông tin chính xác của muỗi, các nhà khoa học có thể biết chính xác chủng bệnh mà nó mang. (Ảnh Reuters)

Trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học đã ứng dụng một thuật toán trí tuệ nhân tạo để phân tích 1.709 bức ảnh 2D của những con muỗi trưởng thành. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã phân loại được 16 đàn muỗi đến từ 5 vùng địa lý khác nhau, bao gồm 1 loài vẫn chưa phân biệt được.

Sử dụng một thư viện các loài muỗi đã xác định, nhóm nghiên cứu sẽ chỉ ra cách phân biệt chủng muỗi Anopheles với những chủng muỗi khác, xác định loài và giới tính trong cùng một chủng Anopheles và xác định 2 dòng trong cùng một loài. Hệ thống AI đã dự đoán chính xác gần 100% về loài và hơn 98% về giới tính.

Tại nhiều quốc gia, sốt xuất huyết vẫn là đại dịch lớn, là cuộc khủng hoảng sức khỏe tại nhiều lục địa, với số ca nhiễm và số người có nguy cơ mắc cao nhất ở vùng cận Sahara của châu Phi. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 8/2020 cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong 30 năm qua cao gấp 5 lần so với 30 năm trước đó và đã lan rộng ra 128 quốc gia, với hơn 3 tỷ người sống trong vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Như vậy, mỗi năm ước tính có khoảng 390 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 2,5-5%. Sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu.

Khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, sốt xuất huyết sẽ có xu hướng thay đổi nhiều do sốt xuất huyết bị ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Sự sẵn có nước (nước đọng) cũng tác động trực tiếp đến dịch sốt xuất huyết vì nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng và sinh sản.

Ngoài ra, yếu tố môi trường sống, di biến động dân cư,… cũng khiến cho nguồn truyền bệnh ngày càng đa dạng và khó kiểm soát.

Nguyên Anh (Nguồn Medicalxpress)