Thế giới

Đức tìm kiếm công nhân nước ngoài để bù đắp thiếu hụt lao động

Lực lượng lao động nước Đức sẽ giảm hơn 300.000 người trong năm nay, do số người nghỉ hưu vượt quá số người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động.

Chính phủ nước Đức mới đây cho biết muốn thu hút 400.000 lao động lành nghề từ nước ngoài mỗi năm. Đây là một phần trong những nỗ lực của nước này để giải quyết tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học và vấn đề thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực quan trọng, vốn là nguy cơ làm giảm khả năng phục hồi kinh tế nước Đức hậu đại dịch Covid-19.

Ông Christian Duerr, thành viên quốc hội Đức, chia sẻ qua tạp chí kinh doanh WirtschaftsWoche rằng: “Việc thiếu hụt lao động có tay nghề đã trở nên trầm trọng, có thể làm chậm sự tăng trưởng kinh tế”.

Ông cho biết thêm: “Chúng ta có thể giải quyết vấn đề lực lượng lao động già đi trong tầm kiểm soát bằng chính sách nhập cư mới ... Chúng ta phải đạt được mục tiêu 400.000 công nhân lành nghề từ nước ngoài càng sớm càng tốt”.

Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông Duerr và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường thuộc đảng Xanh (Greens) đã nhất trí trong một thỏa thuận về các biện pháp, bao gồm hệ thống tính điểm nhập cư cho các chuyên gia từ các nước ngoài EU và nâng mức lương tối thiểu quốc gia lên 12 Euro (khoảng 13,60 USD) mỗi giờ nhằm tăng sức hút hơn nữa cho môi trường làm việc tại Đức.

Hoạt động đào tạo cho người nhập cư trẻ tuổi ở thành phố Rostock, Đức. Ảnh: Infomigrants.

Viện Kinh tế Đức (IW) ước tính rằng lực lượng lao động nước này sẽ giảm hơn 300.000 người trong năm nay, nguyên nhân do số lượng người lao động lớn tuổi nghỉ hưu vượt quá số lượng những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động.

Con số này dự báo sẽ tăng lên tới hơn 650.000 người vào năm 2029 và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt số người trong độ tuổi lao động lũy kế lên khoảng 5 triệu người vào năm 2030. Trong năm ngoái, số lượng người dân Đức có việc làm đã tăng lên gần 45 triệu người, bất chấp những tác động từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Dân số nước Đức hiện có khoảng 83 triệu người.

Sau nhiều thập kỷ ghi nhận tỷ lệ sinh thấp, lực lượng lao động ngày càng giảm đã gây ra sức ép cho hệ thống lương hưu của Đức. Theo đó, số lượng lao động ít hơn phải gánh nhiệm vụ trả lương cho số lượng ngày càng nhiều những người nghỉ hưu có tuổi thọ cao.

Hình ảnh ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức. Ảnh: The Guardian.

Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo vào hôm 11/1: “Chúng ta hiện có khoảng 390.000 cơ hội việc làm và dự kiến con số này sẽ tăng lên 1 triệu việc làm, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta không thu hẹp khoảng cách đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề năng suất lao động giảm”.

Theo ông Habeck, việc không có đủ nhân sự được đào tạo đang trở thành vấn đề khó khăn ở rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ du lịch, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ông cho rằng cần có nhiều biện pháp khác nhau như nâng cao chất lượng đào tạo hay giúp người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Ông nhấn mạnh "Điều cần thiết là thúc đẩy nhập cư trong mọi lĩnh vực, từ kỹ sư, thợ thủ công, nhân viên chăm sóc y tế”.

Trang Infomigrants trích dẫn một nghiên cứu kinh tế mới cho thấy lao động nhập cư đã chiếm đến 1/4 số lao động trong một số ngành tại Đức.

Hà Thanh (theo Reuters, Infomigrants)